Họ và tên

Giống như hầu hết các dân tộc trên thế giới, một đứa bé Việt Nam sinh ra sẽ được đặt tên bằng Họ, chữ lót rồi đến tên gọi. Ở thế kỷ trước, người Việt thường dùng chữ lót đi kèm để chỉ giới tính, điều đó gần như hiển nhiên. Ví dụ một chàng trai không thể chỉ Kim Lý mà phải là Kim Văn Lý, còn cô gái tất nhiên được gọi Hồ Thị Ngọc Hà.

Ngày nay, tên họ người Việt đa dạng hơn rất nhiều, không còn nam Văn nữ Thị như trước, nhưng cấu trúc vẫn không thay đổi, bao gồm Họ + Tên lót (Không nhất thiết) + Tên gọi.

Vậy còn những dân tộc khác thì sao? Cùng dạo một vòng ở những quốc gia đặc biết khác nhé.

Họ tên người Ghana

Người Ghana đặt tên cho con theo ngày trong tuần đứa bé sinh ra. Tuy nhiên, họ lại có rất nhiều từ để chỉ một ngày như vậy. Ví dụ: Thứ sáu - Kofi, Fifi, Fiifi, Yoofi. Hay Chủ Nhật - Akwasi, Kwasi, Kwesi, Akwesi, Sisi, Kacely, Kosi. Nhìn vào tên, người ta có thể đoán được thời điểm một người Ghana sinh ra.

Ví dụ, cựu Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc, ông Kofi Annan chắc chắn ra đời vào ngày thứ sáu trong tuần. Vì tên ông ấy bắt đầu bằng Kofi.

Họ và tên
Ảnh: The Commonwealth

Họ tên người Malaysia

Người hàng xóm Đông Nam Á của nước ta cũng thuộc dạng đặc biệt. Cộng đồng gốc Hoa ở Malaysia là nhóm dân tộc duy nhất sử dụng họ. Các sắc tộc còn lại đặt tên theo cấu trúc: Tên + chữ lót (luôn là Bin đối với nam giới và Binti dành cho nữ giới) + tên cha.

Ví dụ: Izwar Bin Zakri - có nghĩa là anh Izwar con trai ông Zakri.

Trong trường hợp anh Izwar có vợ và sinh ra một người con gái, cô gái đó sẽ có tên:

Aisyah Binti Izwar - cô Aisyah con gái ông Izwar.

Tuy nhiên ngày nay hầu hết người Malaysia sẽ bỏ đi Bin hoặc Binti trong tên của mình, điều đó chỉ còn lại trên giấy tờ.

Họ tên người Bali

Cách Malaysia không xa, đảo Bali, cách đặt tên còn đơn giản hơn. Vì vậy nếu đến Bali, bạn sẽ thấy rất nhiều người có tên giống nhau.

Mỗi đứa trẻ Bali được đặt tên đơn giản theo thứ tự sinh ra của chúng. Con đầu lòng, dù trai hay gái đều là Wayan. Con thứ hai là Made (phát âm là ma day ). Người sinh thứ ba là Nyoman. Và người sinh thứ tư là Ketut. Nếu một gia đình có nhiều hơn bốn con, chu kỳ sẽ lặp lại và 'Wayan' tiếp theo có thể được gọi là Wayan Balik, dịch ra là 'Wayan khác'.

Vì vậy người Bali thường thêm biệt danh hay tính cách vào tên, ví dụ như Wayne Mập hoặc Ketut Hiền Hòa cho dễ phân biệt. Thử tưởng tượng, mọi người Việt cũng chỉ là anh Hai, chị Ba, chú Bốn. Tất nhiên phải kèm theo chú Bốn Xe Ôm hoặc cô Bốn Chè Đậu mới có thể nhận diện được. Dù sao, cũng không đến nỗi quá khó cho cách xưng hô này.

Họ tên người Nhật Bản

Ngày nay, có hơn 300.000 họ ở Nhật. Điều này bắt nguồn từ việc trước thế kỷ 13, chỉ có ba họ phổ biến dành cho giới quý tộc: Sato, Suzuki và Takahashi. Thời kỳ này, đa số này người dân bình thường chỉ có tên và họ thường dùng rất nhiều tên hoặc thay đổi tên xoành xoạch. Lý do có thể vì đổi chức vụ, nơi ở, xui xẻo hoặc đôi khi chỉ là chán tên cũ. Cho đến thế kỷ 19, nước Nhật mới ra luật về tên cố định và mọi người không được mỗi ngày một tên nữa :)

Nguyên nhân của việc hơn 300.000 họ bắt đầu từ thế kỷ thứ 16, khi Nhật hoàng lúc bấy giờ cho phép mọi người đều có họ và ai nấy đều cảm thấy bối rối khi chọn họ cho mình. Sau cùng, các họ trong tiếng Nhật dường như miêu tả mọi thứ xung quanh. Ví dụ Ishikawa - Sông có những viên đá, Yamamoto - Chân núi, Inoue - Miệng giếng...

Một ví dụ điển hình: Maria Ozawa - có nghĩa là Maria Đầm lầy nhỏ.

Họ và tên
Ảnh: XDesktop

Có rất nhiều văn hóa, luật lệ về việc đặt tên trên thế giới. Ở Iceland, chỉ có 1800 cái tên được duyệt cho mỗi giới tính và việc đặt tên phải do một Ủy ban chấp thuận. Hay như Na Uy, đứa bé sau 18 tuổi có thể đổi sang bất kỳ họ nào trong khoảng 200 họ được phê duyệt, miễn là những người trong họ kia chấp nhận.

Đa số các quốc gia Châu Âu đều có luật về đặt tên, chủ yếu để bảo vệ những đứa bé khỏi cái tên quá xấu hay kỳ thị. Kiểu như tên Thị Nở, Béo, Cu Tí... như Việt Nam sẽ không thể đăng ký được.

Dù sao, những cái tên xấu xí được đặt cho "dễ nuôi" ở nước ta đã không còn xuất hiện. Ngày nay những đứa bé ngày càng có tên lạ và mỹ miều hơn, phổ biến như An Nhiên chẳng hạn. Bởi vì cái tên không chỉ đại diện cá nhân, nó còn đôi chút phản ánh ý nghĩ, hoài bão của các bậc phụ huynh cho các thế hệ tiếp theo nữa.