Xe bánh mì
Nếu có dịp, hãy ăn thử bánh mì Bảy Hổ. Dừng xe một đoạn đã ngửi được mùi thoang thoảng bánh nóng, mùi pate gia truyền thơm phức. Thông thường, khách lúc nào cũng phải dừng xe cách một đoạn chờ đến lượt mình, tiệm này luôn đông. Trong lúc chờ đợi, hãy nhìn kỹ và khâm phục người bán bánh mì, những người khéo tay, trí nhớ siêu hạng lại còn điềm tĩnh tuyệt đối. Sau đó thưởng thức món ăn thuộc loại đa dạng và nhiều cải tiến nhất trong văn hóa ẩm thực Việt Nam.
Thật vậy, có thể bạn đã nghe "bún chửi, miến chửi, cháo chửi" nhưng lại chưa từng thấy "bánh mì chửi" bao giờ. Trong khi người xứng đáng được chửi nhất chính là một nghệ nhân bán bánh mì.
Không hiểu sao, mọi người có thể đến Mc Donald, KFC... mua phần bugger mặc định, lúc nào cũng như thế và ăn đơn giản. Nhưng với bánh mì thì không. Một hàng dài người chờ đợi, mỗi người mỗi kiểu: Một ổ đầy đủ, đầy đủ không ớt, không ớt không nước tương, không đồ chua nhiều muối tiêu, nhiều pate cắt làm đôi, đầy đủ không lấy thịt nguội, nhiều ớt ít đồ chua không nước tương nhiều muối tiêu... Muôn vàn các yêu cầu kì lạ khác. Thử tưởng tượng, đứng trong quầy bạn chỉ muốn hét lên: Nghỉ bán! Dẹp tiệm!
Nhưng không, những nghệ nhân bán bánh mì tay thoăn thoắt, đầu ghi nhớ, điềm tĩnh xử lý từng yêu cầu một cách nhanh chóng gọn gàng, ân cần gói chiếc bánh mì hoàn chỉnh vào tờ giấy, buộc sợi thun vòng quanh, kẹp vào đó cây tăm, bỏ vào bao nilon, từ tốn đưa khách, cám ơn rồi dặn thêm: Không ớt hai thun, không tiêu thun đỏ, nhiều pate thun xanh còn nhiều ớt ít đồ chua không nước tương nhiều muối tiêu ba sợi thun :))
Đôi khi những gì chúng ta nhìn thấy thật đơn giản, nhưng lại cực kỳ phức tạp. Bán bánh mì có lẽ là một trong những nghề khó và căng thẳng nhất đúng không nào?
Bánh mì
Đầu thế kỷ 19, người Pháp mang đến nước ta những ổ bánh lớn thô cứng dài ngoẵng gọi là baguette, phía Bắc dùng từ bánh Tây trong lúc miền Nam sử dụng chữ "bánh mì" như ngày nay. Nhà thơ Nguyễn Đình Chiểu từng nhắc đến món ăn này trong Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc:
"...sống làm chi ở Mã Tà, chia rượu lạt, gặm bánh mì, nghe càng thêm hổ"
Có lẽ gặm bagutte quá khó, những người Việt lúc bấy giờ trộn ít bột gạo rẻ tiền vào, làm cho bánh mì mềm hơn cho đến khi người Sài Gòn quyết định thu gọn chúng lại trong hình dáng xinh xắn, dễ dàng cầm nắm, mang đi.
Ngày nay, bánh mì có nghĩa là một loại bánh nhỏ gọn, vỏ mỏng giòn, mềm, thoáng, thơm mùi bột nướng, mùi bơ thoang thoảng. Hấp dẫn vô cùng.
Bánh mì Việt Nam hiện là món ăn nổi tiếng khắp thế giới. Trên chính quê nhà cũng vậy, có thể nhìn thấy xe bánh mì khắp nơi trên đường phố, nguồn kinh tế của rất nhiều gia đình, cung cấp những bữa ăn ngon lành nhanh chóng với giá cả hợp lý cho mọi tầng lớp.
Các loại bánh mì
Bánh mì cũng là món ăn được cải tiến nhiều nhất, nhiều biến thể nhất trong số các món ăn truyền thống Việt Nam. Tùy vào thành phần được kẹp bên trong, bánh mì mang những tên gọi khác nhau. Ngoài bánh mì thịt, phá lấu, heo quay... có thể đến những loại bánh mì lạ lẫm sau:
...Và còn vô số biến tấu khác nữa. Có thể thấy, người Việt đã làm rất nhiều thứ với bánh mì. Những phát minh nho nhỏ đáng yêu này góp phần đưa loại thực phẩm trên ngày càng trở nên đặc biệt và gần gũi với mọi người hơn nữa, ở khắp nẻo đường, vùng miền trên thế giới. Chắc chắn mọi thứ chưa dừng lại ở đây, bạn có thể chờ một loại bánh mì thần thánh khác sẽ ra đời, dưới bàn tay của những nghệ nhân khéo léo, sáng tạo, trí nhớ siêu hạng và bình tĩnh vô cùng nữa:))
Để tự mình khám phá, bạn có thể tìm đến bánh mì Bảy Hổ trên đường Huỳnh Khương Ninh hoặc Sáu Lẹ đường Nguyễn Tri Phương, các nghệ nhân ở đây đã làm ra những ổ bánh mì hoàn hảo, cân bằng giữa độ ẩm và độ giòn, phối hợp các loại thịt chả với nhau trên nền pate gia truyền tuyệt hảo. Chỉ cần thử một lần, chắc chắn bạn sẽ say mê nghệ thuật bánh mì ngay! Cứ mạnh dạn thêm thêm bớt bớt cho thật vừa vặn ý mình nhé, yên tâm không ai chửi đâu.