Nỗi buồn sau Tết

Có lẽ ca khúc Happy New Year của ban nhạc ABBA miêu tả chính xác nhất tình huống của mọi người sau kỳ nghỉ Tết dài, một tâm trạng trống rỗng và buồn bã:

No more champagne

And the fireworks are through

Here we are, me and you

Feeling lost and feeling blue…


Tạm dịch:


Sâm panh thì đã hết rồi

Pháo hoa cũng tắt từ hồi hôm qua

Chỉ còn lại mỗi chúng ta

Cõi lòng buồn bã như là lạc nhau…


Hội chứng “Những người chán nản sau Tết” không có trong Cẩm nang Chẩn đoán và Thống kê Rối loạn Tâm thần, vì vậy đây không phải là triệu chứng y tế chính thức. Tuy nhiên, điều này không làm cho điều đó - những cảm giác rã rời sợ hãi mà bạn có thể có sau Tết - trở nên kém thực tế hơn.

Nỗi buồn sau Tết

Tại sao sau Tết lại buồn?

Phải công nhận rằng cuộc sống áp lực. Đa số những gì chúng ta làm trong hơn ba trăm ngày trước đó không hẳn là những gì mình yêu thích. Rồi Tết đến, cảm giác phấn khích ngọt ngào của endorphin và dopamine tiết ra khi nằm phè, tụ tập bạn bè, dậy thật trễ, lê la bên quán xá, không làm gì… làm chúng ta gặp khó khăn khi quay lại với cuộc sống hằng ngày. Chỉ muốn được rút lui khỏi thế giới thực để hồi tưởng lại những ngày nghỉ dường như còn dang dở.

Ở khía cạnh khoa học, các nhà nghiên cứu thường đề cập đến “Định luật thứ ba” của cảm xúc.

Giống như Newton đã nói: “Khi một vật tác dụng lực lên vật thể thứ hai, vật thứ hai sẽ tác dụng một lực cùng độ lớn và ngược chiều về phía vật thứ nhất”.

Nghĩ một cách đơn giản, khi bạn tham dự một đám cưới, sinh nhật hoặc một sự kiện thú vị khác, phản ứng đầu tiên của bạn là niềm vui hay hạnh phúc. Tuy nhiên, sau khi sự kiện kết thúc, hoặc bạn đã dành một khoảng thời gian nhất định để trải nghiệm niềm hạnh phúc đó, bạn sẽ có cảm xúc ngược lại - nỗi buồn. 

Nỗi buồn sau Tết

Làm sao để đối phó với nỗi buồn không chính đáng này?

Sẽ thật sáo rỗng khi nói rằng hãy chữa lành bằng những ý nghĩ tích cực trong buổi sáng đầu tiên đến văn phòng, chăm sóc bản thân, nói chuyện với đồng nghiệp… Những cố gắng đó chỉ làm bạn cảm thấy tồi tệ hơn mà thôi.

Đầu tiên, nỗi buồn này có thể không chính đáng, nhưng nó xứng đáng. Đang vui vẻ thư giãn thế kia và hôm sau đã ngồi làm việc, phải buồn chứ nhỉ? Quá là xứng đáng.

Cho dù lý do là gì, bạn cũng đừng bận tâm về điều đó. Không sao đâu. Không cần cố gắng phù hợp với định nghĩa "bình thường" của xã hội. Cứ thẳng thắn bỏ ra vài ngày để buồn. Trong lúc buồn, nhâm nhi cà phê, lướt vài hàng Facebook để xem tình hình những người cùng cảnh ngộ. Dù sao buồn đông vẫn vui hơn buồn một mình. 

Nỗi buồn sau Tết

Hoặc ít nhất, khi thấy trạng thái ủ dột của bạn bè, bạn hiểu rằng mình bình thường và rằng có lúc buồn lúc vui là điều hiển nhiên của cuộc sống. Nếu ai đó hớn hở: Được đi làm trở lại rồi, thật phấn khích!

Đó mới là những người cần được trị liệu chữa lành. Giờ bạn đã ổn hơn rồi chứ?