Ở Sài Gòn, những ngày này mới thật sự Tết. Qua đến mùng Một vẫn Tết nhưng nó là một loại Tết khác, không giống bây giờ. Nghĩ thật tiếc khoảng thời gian đang trôi đi mỗi lúc và mình dường như chẳng còn muốn làm gì nữa, không thể làm gì nữa, khi suốt ngày đêm, đường phố cứ đẹp lạ lẫm thế kia.
Lang thang Sài Gòn hết đường Trần Hưng Đạo và vòng về bằng Nguyễn Trãi, bạn có thể tận hưởng nhiều hương vị Tết khác nhau. Ở quận 5, mọi người bắt đầu bán những loại bánh lạ mắt cùng một màu đỏ rực ấm áp.
Nếu như chúng ta có bánh chưng, người Hoa lại dùng bánh Tổ như một loại thực phẩm đặc trưng cho Tết.
Bánh Tổ có tên Nian Gao, mang ý nghĩa "Một năm thịnh vượng hơn" hoặc từ đồng âm chính xác của nó là "Bánh nếp dính". Bánh Tổ thực sự dính, theo truyền thuyết, thường được dâng cho Táo quân để ông này ăn dính miệng, không thể nói xấu gia chủ trước mặt Ngọc Hoàng được. Không hiểu được lỗi của ai, Táo Quân nhiều chuyện hay gia chủ hơi xấu nữa.
Bánh Tổ rất rẻ, bạn có thể ăn bằng cách hấp nhưng tốt nhất nên chiên cho đỡ dính. Vừa ăn vừa nói xấu Táo Quân, Ngọc Hoàng thoải mái.
Ngoài ra bạn cũng có thể thưởng thức bánh trái lựu để cầu duyên. Thật ra bánh hơi khó ăn, giống như duyên vậy, khó cầu.
Và mua một ít thịnh vượng xinh xắn về nhà.
Tết đoạn này thường chia làm hai. Tết của người mua và người bán. Chúng ta là những người mua vui vẻ, nhưng người bán vất vả hơn, nhất là khi đêm muộn.
Vì vậy hôm nay hoặc ngày mai, nếu bạn có đi mua hoa, bớt trả giá chút cũng được, không nhất thiết phải chờ đến sát giao thừa. Hoa có sớm chừng nào nhà cửa đẹp chừng nấy. Có khi tính toán quá nhiều năm sau mua cả trăm cái bánh Tổ cúng cũng chưa yên tâm. Tết nhất mà, vui là chính.