Chợ Tết và trò chơi trả giá

Ngày nay, khi các siêu thị hay e-commerce trở nên phổ biến, việc “trả giá” cũ kỹ tưởng chừng như đã qua thì Tết đến. Rất nhiều thứ bạn phải mua như hoa, cây kiểng… những thứ cần ước lượng, không có bảng giá cụ thể. Lúc này, hãy tận hưởng. Bởi trả giá là nghệ thuật thương lượng cần thời gian để thành thạo, một phần của văn hóa ứng xử gắn kết xã hội mà khi đã quen, bạn gần như xem đó là giao tiếp thông thường.

Tất nhiên người không trung thực ở khắp nơi trong vũ trụ, nhưng việc “nói thách” và “trả giá” giống một kiểu thích nghi hằng ngày, không ai xúc phạm hay lừa đảo bất kỳ ai. Ngoài ra, việc đồng ý mua đồ với mức cao hơn không có nghĩa bạn hào phóng, đó chỉ làm giá cả tự nhiên tăng đột biến với những người ít tiền mà thôi. Hãy tiếp cận vấn đề hóc búa này một cách tích cực và dễ chịu. Bởi vì ở đây không chỉ đơn giản thuận mua vừa bán, đó còn là văn hóa, mối quan hệ giữa con người với con người cho dù nó chỉ thoáng qua.

Nào, cùng trả giá!

Chợ Tết và trò chơi trả giá

1. Nguyên tắc trả giá đầu tiên: Dậy trễ một chút

Khi bạn chưa giỏi việc mua sắm hay giá cả, đừng đến chợ quá sớm. Vũ trụ có người này và người kia. Vài người trong số họ tin rằng xui xẻo cả ngày nếu vị khách đầu tiên ngớ ngẩn và không chốt được hàng. Vì vậy họ có thể phản ứng tiêu cực với bạn. Như chúng ta đã biết, tiêu cực ở chợ có cường độ khá lớn. Không có áp lực nào phải ra chợ quá sớm hết, cứ tranh thủ ngủ thêm chút ít rồi từ từ đi trả giá vẫn chưa muộn.  

2. Tri thức là sức mạnh

Câu nói của Lenin rất đúng với trường hợp này. Trước khi trả giá, bạn nên biết sơ về giá. Hãy dùng google để xem qua hoặc hỏi bạn bè. Sau đó mọi thứ có thể chênh lệch ít nhiều so với hiểu biết của bạn. Kiểu như một cây mai được định giá dựa trên số nụ hoa thực tế của nó, hoặc số hoa đã nở rồi và số nụ tiềm năng còn lại chưa nở. Lúc này mọi việc lại hơi phức tạp.

Chợ Tết và trò chơi trả giá
Ảnh: Tony Pham | Unsplash

3. Trả một nửa giá

Nguyên tắc bất thành văn, nhưng dựa trên một sự tôn trọng nhất định. Khi bạn đưa ra giá mình muốn bằng phân nửa giá người bán, đó được xem như phần đầu của thỏa thuận cơ bản và người bán tạm thời hài lòng. Không nhất thiết phải chắc ăn, giành lợi thế ở bước này. Bởi nếu giá của người bán 200 ngàn và bạn trả 50 ngàn, nghĩa là bạn đang thô lỗ. Vì vậy, 50% là mức hai bên có thể chấp nhận được để có thể thảo luận quanh đó.

4. Trả giá, nhưng luôn cool ngầu

Nguyên tắc số một trong nghệ thuật trả giá là không được bộc lộ tình cảm sâu sắc với thứ mình định mua, cho dù cây tắc đó thật thơm và chỉ có một trên đời. Chuyện này giống như hẹn hò vậy. “Anh ấy đúng là người mình đang tìm kiếm”, nhưng bạn vẫn phải thờ ơ nhìn xung quanh, không vồ vập, không háo hức. Hãy làm cho đối phương hiểu rằng bạn sẽ không gặp vấn đề gì nếu rời đi. 

5. Hãy tự tin

Bằng cách thể hiện sự tự tin, bạn đang cho chủ cửa hàng biết mình chính là con sói già phố Wall. Nói to và rõ ràng mức giá bạn muốn (nhưng tránh to quá người bán có thể hiểu lầm). Tuy nhiên, đừng tranh cãi khi bạn không thích mức giá kia. Hãy bỏ đi một cách tử tế nếu bạn cho rằng điều đó quá đáng hoặc hãy kiên nhẫn với người bán hàng. Bởi họ có thể là ai đó đến từ Long An, Tiền Giang, Mỹ Tho… những người trồng cây suốt cả năm trời, đi quãng đường rất xa đến đây và họ chỉ có thể quay về sát giờ giao thừa.

Chợ Tết và trò chơi trả giá
Ảnh: Chinh Le Duc | Unsplash

6. Tôn trọng

Hãy duy trì sự tôn trọng trong suốt quá trình thương lượng. Luôn nhớ rằng mục tiêu là đạt được mức giá hai bên chấp nhận chứ không phải giành chiến thắng trong một trận chiến. Hashtag trong việc đi chợ là #sốngchanhòa

7. Hãy vui vẻ

Lần đầu trả giá có thể khó khăn và mệt mỏi nhưng cũng rất thú vị. Một điều cần ghi nhớ là đừng quá coi trọng mọi việc khiến bản thân căng thẳng trong quá trình đàm phán. Suy cho cùng, đây là trải nghiệm học hỏi tuyệt vời bởi bạn sẽ làm điều này rất nhiều lần trong đời, trong những vấn đề hóc búa khác của cuộc sống.

Giao dịch đầu tiên thực hiện được chắc chắn sẽ khiến bạn tự hào nhận ra rằng mình đã mở khóa một cấp độ đàm phán hoàn toàn mới, ngay cả sau này phát hiện bị hớ đi chăng nữa. Đó không chỉ là mức giá tốt mà còn là không khí mua sắm Tết, một trò chơi dân gian có hơi hướm chiến thuật. Hầu hết những người bán hàng xem việc thách giá là một phần của công việc. Tuy nhiên, vũ trụ có người này và người kia. Với nụ cười, sự bình tĩnh và kiên nhẫn - ai biết được bạn sẽ có thể nhận được thứ mình yêu thích với mức giá rẻ như thế nào?