Rất nhiều điều cao siêu chúng ra nghe mỗi ngày và liên tục hướng đến, hoặc nghĩ rằng mình đang hướng đến. Hay chí ít cố gắng làm cho chị em, con cái, những người thân quen chúng ta hướng đến. Sau cùng, tất cả sẽ hướng đến… đâu?
Cùng dạo một vòng, nhìn ngắm những quan điểm khác nhau, không nhất thiết để làm theo, nhưng ít nhất có thể xem lại mình đang nghĩ gì.
1. Trí thông minh cảm xúc (EQ)
Câu hỏi: Giả sử công ty bạn đi du lịch team building với nhau, chẳng may lạc vào hoang đảo đầy những tên cướp biển đẹp trai háo sắc, không biết đường về, bạn sẽ tập hợp những người có IQ cao hay những người có EQ cao để tìm cách thoát?
Trường hợp bạn muốn chọn EQ: Bằng cách nào biết được trong tập thể này, ai có trí thông minh cảm xúc cao hơn để đứng ra trò truyện xã giao với những tên cướp háo sắc vô tri nhưng IQ cao cực?
Một nhân viên người thích đọc sách, xem phim vào ngày cuối tuần và một người chuyên lê la hết các quán cà phê Sài Gòn với bạn bè, ai có EQ cao hơn?
Có rất nhiều bài báo hay khóa học về trí thông minh cảm xúc, EQ được xem như thước đo thành công. Tuy nhiên, nếu ai đó nói với bạn về điều này, hãy thử hỏi lại: “Chỉ số EQ của anh/chị là bao nhiêu?”. Một bí mật nhé: hơn 90% trong số họ chưa bao giờ kiểm tra chính mình.
Hoặc thử gõ “Các yếu tố chính của EQ” trên Google, nhiều trang khác nhau đều cho ra những yếu tố khác nhau. Vậy trí tuệ cảm xúc bắt nguồn từ đâu?
Trí thông minh cảm xúc xuất hiện khá trễ, vào năm 1995, nhà báo chuyên viết về khoa học Daniel Goleman xuất bản một quyển sách mang tên “Trí tuệ cảm xúc” và khái niệm này được phổ biến cho đến nay. Mặc dù quyển sách nhấn mạnh sự liên quan giữa EQ và khả năng lãnh đạo nhưng đáng tiếc, ông Goleman không đính kèm bất kỳ thí nghiệm khoa học hay dẫn chứng đo lường cụ thể nào. Bởi vì đơn giản ông chỉ là nhà báo.
Nhiều nghiên cứu sau này cố gắng chứng minh mức độ thành công có liên quan đến trí tuệ cảm xúc. EQ cũng được gắn với sự đồng cảm vì đó dường như là khả năng bạn có thể kết nối trải nghiệm cá nhân của mình với người khác. Tuy nhiên, những xu hướng phản biện hoài nghi việc EQ có phải là trí thông minh hay không. Mặc dù rất nhiều bài báo, sách vở hay nêu ra vài trường hợp EQ cao như Bill Gates, Jeff Bezos hay Warren Buffett. Tuy nhiên dường như các tài liệu này bỏ quên IQ của các nhân vật đó, chắc chắn nó cũng không hề thấp. Hoặc khi nói đến Elon Musk hay Steve Jobs, không ai dám nhắc đến EQ của hai người này bởi vì xét theo hành vi, họ dường như hơi đần cảm xúc. Nhưng họ thực sự thay đổi thế giới.
Tóm lại, cho dù thế giới có tranh cãi thế nào đi chăng nữa, EQ chắc chắn có giá trị nhất định của nó. Chẳng hạn nếu bạn kiểm tra IQ của mình, chẳng may chỉ số quá thấp, bạn vẫn còn niềm an ủi là EQ của bạn có thể cao và bạn sẽ thành công.
2. Chữa lành
Giống như trí thông minh cảm xúc, “Chữa lành” không có tạp chí khoa học uy tín nào xác nhận. Trong cái rủi có cái may, bù lại từ khóa này trả về rất nhiều kết quả trên thế giới, tùy bạn muốn chữa cái gì: Khách sạn chữa lành, mát xa chữa lành, spa chữa lành, chà tay chữa lành, làm gốm chữa lành, làm xà bông chữa lành, yogurt chữa lành… Nhìn chung làm gì cũng có thể lành được. Có rất nhiều trung tâm hay khóa học như vậy để bạn thử chữa dần.
Có thể tin hay không tin, nhưng đầu tiên muốn chữa lành, bạn nên xác định kỹ mình muốn chữa gì. Đó thuộc về cơ thể kiểu đau bao tử, nhức đầu, đau răng… Những nỗi đau này thành thật mà nói, bệnh viện chữa nhanh hơn.
Trường hợp đó là vết thương tinh thần kiểu như anh người yêu có bạn trai mới, khủng hoảng thất nghiệp, nỗi đau lương thấp… không tiếng chuông hay cục xà bông nào có thể cứu bạn nổi. Nếu tin vào chữa lành, hãy cẩn trọng nghĩ về cái trauma của bạn, nó có thể được xoa dịu bởi gì? Yogurt, spa hay khách sạn… nào? Rồi từ từ chữa vẫn có thể lành kịp.
3. Thao túng tâm lý
Gần đây khái niệm này được nhắc đến rất nhiều. Các định nghĩa về thao túng tâm lý vô số, bạn có thể tìm chúng trên Google. Thao túng tâm lý có thật không và bạn đã từng bị ai đó thao túng chưa?
Một ví dụ điển hình: Hotgirl nào đó đã thao túng tâm lý rất nhiều anh, chiếm đoạt số tiền lên đến 17 tỷ đồng.
Có lẽ chúng ta nên nhìn nhận sự việc này rõ ràng hơn. Thao túng tâm lý không dễ dàng đến thế và chắc chắn nó không dựa trên sự “hot”. Những nạn nhân này gần với… ngu hơn. Khi nói ai đó thao túng mình, điều đó thật dễ vì mình không phải là người có lỗi, lỗi ở đối tượng kia đã… thao túng. Nhưng nói mình… ngu khó hơn, vì đó là do khả năng của chính mình.
Một định nghĩa cơ bản của thao túng tâm lý: là khi ai đó phủ nhận trải nghiệm của bạn, làm bạn nghi ngờ về trải nghiệm của chính mình. Nhưng hãy tỉnh táo, bạn tin có ma trên đời và rất nhiều người bác bỏ chuyện đó. Vậy bạn đang bị thao túng sao?
Đôi khi thuật ngữ thao túng tâm lý được sử dụng không chính xác. Nó có thể bị gán cho bất kỳ hành vi nào mà người nhận không đồng ý, kiểu như bị tấn công hoặc chèn ép khi tranh luận. Nhưng tất cả những chuyện này là bình thường trong cuộc sống.
Lời khuyên: Khi bị thao túng, hãy dùng EQ của mình vượt qua họ và khi không thể làm được… phải tìm chỗ chữa lành.
Tóm lại, đôi khi khái niệm hữu ích nhất cũng có thể là không có khái niệm nào cả. Hãy để im cho chính mình có thời gian và không gian để phán đoán.