Người Việt đặt tên

Cái tên không phải để phân biệt ai đó, bởi vì chúng ta có nhiều Nam, nhiều Thúy nhiều Trang. Trước kia, mọi người nghĩ cái tên chỉ là cái tên. Nhưng ngày nay mọi thứ không đơn giản như vậy, tên ảnh hưởng đến cả cuộc đời của một người.

Nhiều năm trước, trên ti vi xuất hiện Lệ Thủy, Kim Cương... Còn bây giờ, Nguyễn Khoa Tóc Tiên lại cho thấy một vẻ đẹp khác nữa. Tất cả ẩn chứa một chặng đường dài về sự thay đổi. Vậy cái tên thật sự ảnh hưởng như thế nào?

Những cái tên thô sơ

Thời kỳ trước, ông bà đẻ hơi nhiều, một gia đình có thể lên đến mười người con, nhưng ý tưởng về cái tên đặt cho những đứa bé lại có phần cạn kiệt. Để cho tiện và dễ nhớ, ông bà có khi sử dụng luôn số thứ tự: con Hai, thằng Ba, con Tư… cho đến Út Mười. Hoặc những thứ gần gũi gắn liền với thế giới xung quanh như loài hoa có trong vườn: Mai, Lan, Lài, Liễu… thậm chí Chày, Cối.

Một mẹo vặt khá phổ biến, những cái tên hơi khó nghe để không gây sự chú ý của ma quỷ, khiến cho việc nuôi dưỡng đứa bé trở nên dễ dàng. Vài tên lưu truyền đến ngày nay, được đăng ký chính thức như Gái, Nở, Tí, Tèo... Thậm chí những cái tên quá xấu xí kỳ quặc đến nỗi cho dù đứa bé thật sự dễ nuôi nhưng thành ra về sau lại khó sống.

Sau cùng, nếu bạn tên Tèo, có thật sự dễ nuôi không, điều này chỉ có bạn và gia đình mới trải nghiệm được. Tuy nhiên, những người đã lớn lên với cái tên đẹp và sống bình thường không hiếm. Nhạc sỹ Văn Cao tên thật Nguyễn Văn Cao hay nhà văn Nguyên Hồng tên đầy đủ là Nguyễn Nguyên Hồng. Những cái tên rất đẹp khi so với ngày nay.

Người Việt đặt tên
Nhạc sỹ Văn Cao tên thật Nguyễn Văn Cao | Ảnh: Nhạc xưa Blog

Những cái tên mỹ miều

May mắn thay, khi lĩnh vực nghệ thuật phát triển. Không thể có danh ca Thị Gái hay nhạc sỹ lão thành Văn Chày được. Một số người tiên phong đã chọn cho mình nghệ danh đủ sức nói lên vẻ đẹp chủ yếu trong lĩnh vực nghệ thuật mà họ muốn hướng đến:

Ví dụ: Khánh Ly tên thật là Nguyễn Thị Lệ Mai. Còn Lệ Thu, giọt lệ mùa thu ấy thật ra tên Bùi Thị Oanh.

Nhà văn Nam Cao tên thật Trần Hữu Tri. Tất nhiên cái tên Hữu Tri đẹp và đầy ý nghĩa chứ không phải Vô Tri cho dễ nuôi. Nhưng sau cùng “Nam Cao” vẫn phản ánh đúng văn chương và nơi ông muốn nghĩ về hơn.

Những nghệ sỹ này đã tạo nên một khái niệm, sau đó mọi người bắt đầu chú trọng hơn trong việc đặt tên. Những lựa chọn ý nghĩa ra đời: Bảo Quốc, Bạch Tuyết, Lý Hùng, Trang Đài... So với ngày nay, tên như thế này mang vẻ đẹp vintage và hơi văn thơ.

Người Việt đặt tên
Danh hài Bảo Quốc tên thật là Lư Bảo Quốc | Ảnh: Báo Thanh Niên

Tên hiện đại

Ba mẹ ngày nay không có nhiều con như trước. Việc bạn tưởng tượng mình sinh năm hay mười đứa bé thật quá sức người, nhất là trong việc đặt tên. Vì vậy, tên sau cùng là quá trình lựa chọn cầu kỳ và kỹ càng. Thậm chí tên đã được nghĩ tới từ khi chưa mang thai. Về mặt ý nghĩa, đó là cả một sự kỳ vọng của những người làm cha mẹ về sự thành công của con cái sau này và cả những điều mong đợi ở cuộc sống nữa.

Cách đây vài năm, rất nhiều em bé ra đời có tên An Nhiên, phản ánh giai đoạn con người hướng về sự thanh bình, êm ả. Hay Tuệ Lâm, Tuệ Nghi… Chỉ đọc thôi đủ hiểu ba mẹ các bé nghĩ về điều gì, xu hướng khá rõ rệt, không chỉ đẹp mà còn phải lạ nữa.

Người Việt đặt tên
Danh sách học sinh của một trường quốc tế

Cái tên có làm nên con người hay ko?

Dĩ nhiên chúng ta không thể có câu trả lời chính xác về vấn đề này. Nghĩ rằng có ảnh hưởng cũng được. Kiểu như Trịnh Công Sơn, cái tên nguyên bản đủ đẹp và mang thần thái dịu dàng hiếm thấy. Hay Võ Nguyên Giáp - âm hưởng đầy uy lực của vị đại tướng, Trần Văn Khê - đủ âm nhạc, đủ tầm vóc…

Tuy nhiên, khi nghĩ ngược lại chuyện này có vẻ không đúng. Có những anh Phú rất nghèo trong khi anh Nam lại thích mặc đồ nữ cơ.

Giống như một thương hiệu, bạn phải xây dựng brand name cho chính mình bằng khả năng hay điều tốt đẹp nào đó. Bạn có một khái niệm hoàn mỹ trong tên của mình và nếu bạn không làm cho điều đó trở nên ý nghĩa thật sự, cái tên cơ bản chỉ là cái tên.

Kết luận bằng một trường hợp khác:

Nếu bạn từng nghe ca khúc Dư âm, Mẹ yêu con, Cô nuôi dạy trẻ… với những nốt nhạc uyển chuyển trên ngũ cung huyền ảo, lời lẽ mượt mà da diết. Đó là sáng tác của nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý. Ông chưa từng đổi tên hay dùng nghệ danh khác. Dù vậy, cái tên Nguyễn Văn Tý vẫn đủ sức hút, sự yêu mến, kính trọng để trở thành một trong những tượng đài âm nhạc Việt Nam. Ông Tý hẳn cũng chưa bao giờ thắc mắc: “Tại sao ba mẹ lại đặt tên con là Chuột?”

Tác giả: Huyền Trân