Nếu bạn sống ở Nhật, Mĩ, Sing… tốt nhất đừng nên buồn. Những đất nước này để hết buồn rất khó. Tất cả đều đắt đỏ cho một đĩa tempura, chiếc pizza hay chai bia lạnh và chúng không dễ dàng để tìm thấy. Nỗi buồn có khi lại chất chồng.
Nhưng khi đã ở Việt Nam, hãy buồn thoải mái, buồn đi buồn lại. Bởi vì một trong những thú vui đơn giản, ít tốn kém, hiện diện khắp nơi, đó là ăn hàng. Nghĩa là chỉ việc ra đường, nhìn xung quanh xem nỗi buồn của bạn có thể phù hợp với món nào và tự chữa lành với nó. Trường hợp vết thương lòng chưa liền vết, bạn có thể trị liệu từ quán này sang quán khác. Thật dễ dàng.
Rất ít quốc gia trên thế giới có cuộc phiêu lưu ẩm thực ngoạn mục như Việt Nam, chủ yếu lại là các món bình dân. Những người đầu bếp ở khắp nơi trên vỉa hè, các ngõ ngách với nồi súp bốc khói hoặc chiếc chảo lớn phừng ngọn lửa cam sẵn sàng sưởi ấm trái tim lạnh giá của thực khách. Dù những món ăn hè phố này vẫn có thể xuất hiện với giá cao ngất trong nhà hàng đắt tiền, tuy nhiên điều kỳ lạ là chất lượng trong nhà hàng chưa hẳn đã sánh nổi với hè phố giản dị.
Không phải ngẫu nhiên vài món ăn đơn giản có thể chữa lành được bạn. Tất cả đều có sự khoa học và tính toán cẩn thận từng chi tiết.
Ẩm thực Việt Nam và những yếu tố chữa lành
Giản dị, không đắt đỏ
Điều này cực kỳ quan trọng. Bởi vì đã buồn mà còn nghèo nữa thì thật thảm họa. Bạn có thể thưởng thức nhiều món cùng lúc hoặc ăn no trong ngân sách hạn hẹp. Những nguyên liệu được chế biến khá giản dị, phổ biến. Kiểu như cuốn bò bía được làm ra với nhiều thứ phức tạp: lạp xưởng, tôm khô, củ sắn, trứng, bánh tráng, rau xà lách, rau thơm… Nhưng tất cả những nguyên liệu này nhìn chung đều rất phải chăng.
Sự thống trị của thảo dược và hoa lá
Những nguyên tố này có tính chất chữa lành. Đinh lăng, húng, diếp cá, lá mơ… thậm chí lá xoài, lá mận. Hiếm có dân tộc nào trên thế giới sử dụng nhiều cây cỏ thiên nhiên như thế trong món ăn của mình như ở Việt Nam. Bạn có thể dạo một vòng xem thử.
Sự cân bằng
Ẩm thực Việt Nam đề cao sự cân bằng. Kiểu như cõi lòng bạn lạnh giá khi ăn hải sản thì đã có gừng, ớt, sả… để sưởi ấm chút mong manh.
Gia vị và nước mắm
Tất cả làm cho mọi thứ trở nên trọn vẹn đậm đà. Nước mắm đóng vai trò rất lớn khi có hàng chục biến thể. Nghĩ lại, rất nhiều món ăn thật ra không có gì đặc biệt, tất cả chỉ dựa trên nền nước mắm nhiệm màu.
Từ Bắc vào Nam, món ăn lại tùy chỉnh theo sở thích của mỗi người. Đất nước được chia thành ba vùng đặc trưng với thời tiết, địa lý, lịch sử khác nhau nên các món ăn cũng khác nhau về nguyên liệu, mùi vị, thể hiện linh hồn của từng vùng miền và lối sống của người dân địa phương.
Ẩm thực miền Bắc với hương vị tinh tế
Thông thường, miền Bắc tôn trọng những bí quyết truyền thống. Các món ăn ít khi thay đổi công thức mà tuân thủ nghiêm ngặt sự hướng dẫn của tổ tiên. Người miền Bắc tin rằng những chỉ dẫn này là tốt nhất, được truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác. Vì vậy hầu hết các quán danh tiếng ở Hà Nội đều do gia đình quản lý, với công thức nấu ăn gia truyền ngon không thể cưỡng. Hơn nữa, các loại rau phía Bắc dường như thơm hơn, ngon hơn dù kích thước nhỏ hơn so với miền Nam. Điều này cũng góp phần tăng sự tinh tế trong ẩm thực.
Một ví dụ về sự cầu kỳ của người Bắc.
Trong hồi ký “Cát bụi chân ai”, Tô Hoài kể một giai thoại về Nguyễn Tuân. Nguyễn Tuân thích phở nhưng ông quan niệm rằng phở là món “ăn quà”, kiểu ăn chơi hương hoa thưởng thức. Sau này, khi người ta, ăn phở “lấy no”, theo cách gọi của Nguyễn Tuân, ông không muốn ăn món này nữa.
Cũng may Nguyễn Tuân không còn trong thời đại này nữa, khi người ta ăn phở để lấy đủ thứ: lấy ngon, lấy bổ, lấy sang… Nếu còn sống, mỗi lần nhìn thấy tô phở bò Kobe, hẳn không còn gì có thể chữa lành cho ông.
Ẩm thực miền Trung phảng phất hương vị cung đình
Ẩm thực miền Trung dễ dàng nhận biết bởi hai yếu tố chính:
- Nét đặc sắc của món ngon cung đình: Ẩm thực cung đình vẫn có thể tìm thấy ở Huế - cố đô triều đại cuối cùng của Việt Nam. Được chuẩn bị cho hoàng gia, những món ăn này nhiều màu sắc hơn, được trang trí đẹp mắt với kỹ thuật nấu nướng tinh xảo.
- Vị cay: vì thời tiết khắc nghiệt nhất cả nước, nhiều bão lũ, gió mùa, những cơn mưa dai dẳng... Vì vậy, món ăn miền Trung ưa chuộng vị cay để giữ ấm cơ thể. Hoặc có sự tính toán tinh tế trong cách nấu nướng của họ. Ví dụ như món bánh bèo: bằng cách nào chỉ với chén bột, ít bột tôm bên trên, nước mắm, lại tạo nên sự hấp dẫn đến vậy? Dù ở những vùng khác, khi người ta thay bột tôm bằng hẳn con tôm đắt đỏ bên trên, lại tạo ra sự cục súc thay vì nét đẹp hài hòa của ẩm thực. Rõ ràng, tiền bạc không phải chất liệu để chữa lành.
Ẩm thực miền Nam, mạnh mẽ và kịch tính
Chịu ảnh hưởng từ ẩm thực Trung Quốc, miền Nam Việt Nam giới thiệu với mọi người một danh sách món ngon được đánh dấu bởi các yếu tố đậm đà, nhiều tùy biến.
Những món ăn từ khắp hai miền còn lại du nhập vào đây sẽ thay đổi đi một chút. Ví dụ, phở Sài Gòn hơi khác so với phở Hà Nội. Nước dùng ngọt hơn cộng với hai loại tương đỏ đen, một ít rau thơm tươi và giá được phục vụ riêng.
Ngoài ra, chịu ảnh hưởng của ẩm thực Trung Hoa từ lâu đời, ẩm thực miền Nam trở thành sự hòa trộn hoàn hảo. Hủ tiếu là một ví dụ tuyệt vời. Mỗi tỉnh ở miền Nam đều biến tấu món hủ tiếu sang một phiên bản khác nhau bằng các nguyên liệu riêng của vùng miền đó.
Tóm lại, khi đi trên đường, hít thở mùi hương mời gọi, cắn miếng đầu tiên và thưởng thức hương vị hảo hạng, bạn sẽ biết tại sao ẩm thực Việt Nam được coi là một trong những nền ẩm thực ngon nhất thế giới. Người sành ăn luôn có thể cảm nhận sự cân bằng và tinh tế trong cách nấu nướng của người Việt. Còn người cần chữa lành thì chỉ việc thưởng thức mà thôi.
Lưu ý: Sloth hiểu chữa lành đây chỉ là những vết thương nhè nhẹ kiểu như muỗi cắn, gửi email nhầm bị sếp la, dắt xe ra khỏi công ty xẹp bánh…
Những tổn thương to lớn như người yêu bỏ đi, công ty nợ lương… ẩm thực khó lòng chữa khỏi.