Trên thực tế, nhà vệ sinh trong quá khứ thường theo mô hình công cộng. Ở La Mã là những dãy hình bán nguyệt, nơi mọi người dành cho nhau khoảng thời gian trò chuyện chất lượng. Trong khi vài thập kỷ trước, miền Tây vẫn còn dãy các cầu cá nối tiếp nhau, người sử dụng ngồi san sát có thể mua, dò vé số, tán gẫu về chuyện mùa màng, cày cuốc… cũng chất lượng không kém. Nhưng ngày nay, sau khi trải qua thời gian dài điều chỉnh, văn hóa bên trong căn phòng nhỏ đó được hình thành rõ rệt.
Những tưởng rằng mọi chuyện đơn giản đối với những người đàn ông nhưng thực tế ngược lại. Từ đó, các quy tắc bất thành văn trong toilet nam dần hình thành – đôi khi không kém phần phức tạp.
Nguyên tắc 1: Giãn cách xã hội
Trong ngôi nhà của nam giới, có nhiều bồn khác nhau, đôi khi ba, đôi khi năm, bảy… Cách ai đó đứng thư giãn ở vị trí này hay vị trí kia nói lên tất cả: một quý ông tinh tế, một anh chàng võ biền...
Vì vậy, quy tắc “giãn cách xã hội” sẽ giúp chúng ta chọn vị trí phù hợp, vừa giữ sự riêng tư cho mình, vừa tạo thoải mái cho người khác. Ví dụ, bạn bước vào và có ai đó đang giữa dòng, tất nhiên bạn sẽ không đứng bên cạnh mà phải giãn ra ít nhất một hoặc hai đơn vị.
Nếu trong phòng có ba bồn, bạn vào trước tiên và đứng chính giữa. Đó là quyết định rất sai vì bạn đang ép người đến sau phải chen chúc, không còn giãn cách được nữa. Hãy chọn trái hoặc phải tùy theo phong thủy của mình để người kia không phải đến quá gần.
Trường hợp với năm bồn, vị trí 1, 3 và 5 đều khả thi trong khi 2, 4 lại dễ gây chen lấn.
Một số nhà hàng bình dân sẽ dùng máng dài. Lúc này tiêu chuẩn giãn cách vẫn được áp dụng mặc dù chúng ta không xác định được bao nhiêu người được phép onboard cùng lúc. Nếu hàng quá đông, nên kiên nhẫn chờ đợi. Không ai thích bị bạn huých vào tay, gây mất ổn định hoặc đổ nước nghiêng thành. Hãy tế nhị quan sát tình hình, cố gắng thích nghi.
Nguyên tắc thứ 2: Không giao tiếp
Đối với một số người, đó là khoảnh khắc riêng tư và thiêng liêng.
Trong các quán bia hoặc thậm chí văn phòng làm việc, thông thường quyết định đi vào nhà vệ sinh diễn ra khi đã quá hạn. Vì vậy không ai muốn bị gián đoạn khoảnh khắc nhẹ nhõm sung sướng đó.
"Em chào sếp!" hay "Anh uống mấy lon rồi?" – là những câu không nên tồn tại ở đây. Cố bắt chuyện đôi khi còn gây khó xử hơn cả im lặng.
Trên thực tế, ngay cả những cử chỉ giao tiếp thông thường bằng mắt, biểu cảm trên khuôn mặt, ngôn ngữ cơ thể đều bị coi thường trong bối cảnh này. Không có điều gì bạn cần biết cấp bách đến nỗi không thể đợi đến khi chúng ta rửa tay hoặc quay lại khu vực chung.
Nguyên tắc 3: Tập trung vào chuyên môn
Thời gian trong nhà vệ sinh nam không nhiều, chúng ta không phải trang điểm hay tô lại son như những cô gái bên kia. Vì vậy hãy tập trung vào chất lượng, tránh xao nhãng. Bạn có thể nghe điện thoại khi chuông đổ, nhưng đừng tìm cách bắt đầu gọi cho ai đó hoặc nhắn tin. Ở một số quốc gia như Nhật, Mĩ… Việc có điện thoại trong tay khi đi vệ sinh cực kỳ nhạy cảm.
Tránh quan sát lung tung. Bạn có thể được tha thứ nếu liếc nhanh xung quanh để chắc chắn rằng mình đang ở đâu, tìm vị trí phù hợp. Nhưng việc láo liên, nhìn chằm chằm, táy máy nghịch ngợm… không được hoan nghênh. Hãy giữ mắt và tay của bạn cho riêng mình.
Ngoài ra đừng quên các nguyên tắc cơ bản, nhấn nút sau khi xong việc, giữ vệ sinh chung, không kéo quần xuống quá thấp... Là một quý ông không dễ. Những gì bạn làm trong bóng tối sẽ ảnh hưởng đến cách người khác nhìn bạn ngoài ánh sáng. Đừng để lại một ấn tượng kỳ quặc giữa những người trong giới với nhau.
Nếu bạn là cha mẹ, hãy dạy con trai mình những nguyên tắc này từ sớm. Chúng là bài học không có trong sách giáo khoa nhưng cực kỳ hữu ích sau này.
Và nếu bạn chỉ muốn là một kẻ kỳ lạ, đáng sợ trong phòng vệ sinh công cộng, người chọn cách phớt lờ những quy tắc này… Chỉ cần biết rằng chúng tôi đang quan sát bạn.
Không ai nói ra, nhưng ai cũng biết. Và hãy tin rằng, chúng tôi luôn nhớ rất rõ một người - dù chỉ hơi - bất thường trong nhà vệ sinh.
