Người Nam đập một đầu của trái trứng rồi ăn bàng muỗng nhỏ. Người Bắc đem hẳn con vịt đầy lông nằm dang tay dang chân ra bát. Trong khi phương Tây chỉ kịp thốt lên: Sợ quá!
Cũng khám phá những khác biệt kỳ lạ của chúng ta nhé.
1. Ngửa bàn tay, úp bàn tay
Ở các nước phương Tây, khi gọi ai đó đến người ta thường ngửa bàn tay lên trên và vẫy. Trong khi đối với Việt Nam, bắt buộc bạn phải úp lòng bàn tay xuống. Việc ngoắc ai đó đến mà ngửa tay là tối kỵ, nếu còn kèm theo chặc lưỡi nữa thì…
2. Bắt chéo hai ngón tay
Khi xem phim Mĩ, bạn thường bắt gặp hai người chia tay, cô gái hoặc chàng trai sẽ giơ ký hiệu ngón trỏ và ngón giữa chéo vào nhau. Ôi trời, ghê vậy? Nhưng đối với họ, đó chỉ là chúc may mắn thôi. Mặc dù Việt Nam khá cởi mở về văn hóa, ký hiệu này vẫn chưa bao giờ được dùng để chúc may mắn. Thật may mắn!
3. Hỏi tuổi
Cách xưng hô của Việt dùng nhiều ngôi thứ cho nên việc hỏi tuổi người đối diện không có gì bất lịch sự. Tiếng Anh dù lớn hơn hay nhỏ hơn cũng chỉ “you” và “i”, phương Tây vì thế chọn không hỏi tuổi. Những năm gần đây, người Việt có chút ái ngại khi hỏi tuổi phụ nữ. Trong bối cảnh xã giao, thông thường chàng trai sẽ là anh còn cô gái xưng “em”. Tuy nhiên trong một mối quan hệ lâu dài, đối tác, sau cùng mọi người bằng cách này hay cách khác vẫn sẽ hỏi tuổi người kia cho đúng thứ tự, lễ phép. Tránh trường hợp ngày nay kỹ thuật trang điểm đạt mức thượng thừa và sau khi rõ năm sinh nhau xong sẽ rơi vào tình huống khó xử ngỡ ngàng: Dạ, anh nhỏ hơn em.
4. Đến nhà nhau
Dù trong cùng một đất nước, sự việc vẫn khác hẳn. Đối với phía Nam, khi bạn dẫn người khác (nhất là khác phái) về nhà, có nghĩa sự việc khá nghiêm trọng. Điều đó tương tự như một màn ra mắt nhè nhẹ. Bình thường, mọi người có thói quen hẹn nhau ở quán cà phê hơn. Tuy nhiên ở phía Bắc ngược lại, nếu ai đó dẫn bạn về nhà, đó chỉ đơn giản là gặp nhau ở nhà và không có màn ra mắt nào xảy ra cả.
Dù sao vẫn đỡ nghiêm trọng hơn ở Nhật. Khi một người Nhật mời bạn đến nhà chơi và bạn đến gõ cửa, họ sẽ rất ngạc nhiên: “Ủa sao đến đây?”. “Nếu có dịp hãy ghé thăm nhà mình nhé” là một câu cửa miệng thuộc loại cửa lớn của người Nhật.
5. Tiền ăn uống
Cùng một cách thức, hành động, từ ngữ nhưng ở mỗi vùng miền khác nhau lại không giống về ý nghĩa. Người Nam hẳn sẽ ngạc nhiên khi ra Hà Nội ăn uống và người khách gọi: “Thanh toán!”, nghe như có chuyện nghiêm trọng xảy ra đến nơi. Nhưng thật sự đó chỉ là cách gọi tính tiền bữa ăn.
6. Ăn mặc
Trong khi phương Tây chia rất kỹ về trang phục: Trang trọng, bán trang trọng, bình thường công sở… Việt Nam có ít khái niệm hơn, chỉ gói gọn: Trang trọng hoặc bình thường.
Trang trọng phương Tây có nghĩa cà vạt đen, áo vest và áo sơ mi màu sáng bên trong. Trong khi với người Việt, chỉ cần quần Tây, áo sơ mi đã đủ trang trọng, trường hợp này phương Tây lại gọi “bình thường công sở”.
Còn “bình thường nơi công sở” đối với người Việt? Ồ, thật đa dạng. Nó có nghĩa áo thun quần jean, quần short, thậm chí dép Lào. Điều chắc chắn bạn không bao giờ bắt gặp ở một văn phòng Nhật hay Mĩ.
Nhìn chung người phía Bắc có xu hướng ăn mặc trang trọng hơn miền Nam. Áo sơ mi, áo vest xuất hiện rất nhiều. Lang thang trên đường phố Hà Nội, bạn dễ dàng bắt gặp một bác xe ôm vest lịch sự chỉn chu. Trong khi ở Sài Gòn, nhiều anh xe ôm quả thật không thể nào ôm nổi. Cho dù các anh có thể không chú ý nhiều đến hình ảnh thương hiệu, nhưng mùi của thương hiệu cũng quan trọng chứ?
7. Bấm còi
Trong nhiều quốc gia khác, tiếng còi xe thật sự nghiêm trọng và hung hãn. Khi ai đó bấm còi với bạn có nghĩa họ đang thực sự tức giận. Nhưng ở Việt Nam, mọi thứ dường như thân thiện hơn, mang nhiều ý nghĩa sâu xa thầm kín.
Xin cho em qua: Bấm còi. Coi chừng nè: Bấm còi. Đèn xanh rồi, đi đi cô bác: Bấm còi. Trời ơi tôi bị trễ giờ: Bấm còi.
Tôi chán quá: Bấm còi.
Dựa vào tần suất lặp lại hoặc độ dài ngắn của tiếng bíp, bạn có thể đoán tâm sự người tạo ra chúng. Kiểu như một tiếng bíp ngắn: Coi chừng. Ba tiếng bíp ngắn: Cấp bách. Bốn tiếng bíp ngắn dồn dập: Trễ giờ làm rồi mọi người ơiii!!! Một tiếng bíp cực dài: Tôi đang gấpppp… Tôi đang tớiiiiii…
Còn rất nhiều những khác biệt khác nữa. Đơn giản chỉ bởi vì chúng ta sinh ra ở những nơi chốn khác nhau và cách thức chúng ta lớn lên cũng khác nhau. Điểm mấu chốt ở việc bạn sẽ cảm thấy đó không phải là những thứ quá lớn và quá khó chịu. Kiểu như tiếng còi xe kia thật ồn ào. Nhưng không, một người đi làm trễ, một người đang nói chuyện, một người đang chán…
Và thế là mọi thứ trở nên dễ dàng.