Nếu về các tỉnh miền Tây hoặc vùng quê Bắc Bộ Việt Nam, trong những buổi tiệc nho nhỏ riêng tư, người ta dễ dàng được mời ly rượu với lời giới thiệu được dịch sang ngôn ngữ quảng cáo sẽ kiểu: siêu rượu organic thủ công, handmade, homemade, phiên bản giới hạn chỉ dùng trong gia đình dòng họ… Những lời quảng cáo đó đều chân thật. Rất nhiều gia đình trên khắp đất nước tự nấu ra loại rượu của riêng mình, có thể họ bán ra ngoài một ít, nhưng việc nấu rượu đối với nhiều nhà dễ dàng đơn giản như người khác nấu chè hoặc phở.
Vậy những ly rượu này mùi vị ra sao?
Khi được mời một ly rượu nếp than homemade ở Miền Tây, bạn sẽ thực sự ngạc nhiên. Vị tươi mới thanh thoát, ngọt dịu dàng, thơm lừng mùi nếp… Còn rượu mơ handmade, rượu táo mèo ở phía Bắc nữa… cực kỳ hấp dẫn. Nhưng chúng chưa bao giờ xuất hiện trong quán bar, pub Sài Gòn hay trong các siêu thị cao cấp. Một lịch sử nấu rượu lâu đời của người Việt sau cùng đem chúng ra nước ngoài trước khi trong nước để ý đến.
Hãy cùng xem “rượu Việt Nam” đã làm được gì.
1.Rhum Sampan
Đoạt giải nhất rượu Rhum ngon nhất Châu Á tại International Sugarcane Spirits Awards năm 2021. Rhum Sampan được làm từ 100% mía hữu cơ, organic có nguồn gốc từ Hội An. Mía dùng chế biến Rhum Sampan được thu hoạch bằng tay, vận chuyển trong vòng 24 giờ và chưng cất theo phương pháp truyền thống để đảm bảo độ đặc cũng như chất lượng nguyên sơ. Điểm đặc biệt của Rhum Sampan sự trong suốt tinh khiết, sang trọng cuốn hút.
Sau cùng, khi thưởng thức, bạn sẽ cảm nhận được nguyên vẹn hương vị tràn đầy của mía tươi, thoang thoảng hương trái cây kiểu đào, mận Hà Nội, hậu vị mượt mà êm ái được trải dài bằng hương vị cam thảo đầy thư giãn. Sở hữu thương hiệu Rhum Sampan là một người Pháp tên Antonie Poircuitte.
Câu hỏi: Bạn đã bao giờ uống rhum Sampan chưa?
Nhiều người trong chúng ta sẽ nói: Chưa.
2. Gin Sông Cái
Vào năm 2018, một người Mĩ gốc Việt tên Daniel Nguyễn đã lập ra nhà máy chưng cất rượu gin thủ công đầu tiên ở Việt Nam. Sản phẩm đầu tay Gin Sông Cái đã phản ánh hết sự đậm đà của núi rừng Tây Bắc - từ các loại trái cây và hoa cỏ bản địa cho đến hương trám, gỗ sưa, rau mùi có nguồn gốc từ các gia đình H'mông, Dao Đỏ...
Kể từ khi ra mắt, Sông Cái đã giành được nhiều giải thưởng toàn cầu như Gin Masters 2020 và Giải thưởng uy tín quốc tế Spirit International Prestige Award nhờ hương vị độc đáo truyền thống đặc trưng này.
Ngay cả thiết kế của nhãn, chai cũng mang hoa văn đặc trưng Việt Nam đầy quý phái và huyền bí. Gin Sông Cái khá phổ biến ở các quán bar Sài Gòn. Chắc nhiều người trong chúng ta đã có dịp thử qua.
3. Gin Bà Triệu
Thêm một loại gin nữa, đặc trưng Việt Nam thuần túy nhưng lại đến từ một người nước ngoài, Adam Westbrook. Sản phẩm đầu tay 'Lab Series' được ra mắt vào tháng 11 năm 2020.
Tiến thêm một bước nữa, các tuyệt tác sau đó ra mắt nhằm mục đích nắm bắt tinh thần của địa phương, bao gồm các thành phần tự nhiên như trái cây, hoa có nguồn gốc từ một vùng cụ thể như Đà Lạt, khu vực sông Mekong, bao gồm thảo quả, gừng, hoa lài, vỏ cam và hoa cúc. Ngoài ra, tất cả các loại rượu gin đều được chưng cất 100% từ các loại ngũ cốc và thực vật của Việt Nam.
4. Tuyệt tác rượu Sơn Tinh
Tất nhiên Việt Nam là đất nước nhiệt đới với nhiều hoa thơm cỏ lạ, dễ dàng tạo hương vị cho các loại rượu mạnh như gin và rhum. Tuy nhiên, "rượu đế" mới chính là quốc hồn quốc túy. Trong đó, Sơn Tinh - loại rượu gạo thủ công duy nhất của Việt Nam được trao giải quốc tế.
Thật bất ngờ khi người mang tinh hoa rượu đế Việt Nam bước ra thế giới lại là một người Thụy Sỹ, ông Markus Madeja.
Rượu đế thường được lựa chọn cho các buổi hàn huyên tâm sự bình dân của người Việt, được chưng cất tại nhà theo công thức gia truyền bằng những công cụ tự chế thô sơ. Đương nhiên, điều này có nghĩa rượu đế không đáp ứng các tiêu chuẩn rượu mạnh quốc tế và thường được xem như đồ uống rẻ tiền mặc dù đôi khi mùi vị của nó rất tuyệt vời.
Tuy nhiên, trong vài năm gần đây, mọi thứ thay đổi. Sơn Tinh đã đưa rượu đế thủ công Việt Nam giành được vị trí trên sân khấu rượu mạnh toàn cầu. Thông qua việc hiện đại hóa các phương pháp lâu đời, kết hợp các thiết bị hiện đại như máy Arnold Holstein của Đức, các thùng chứa bằng thép không gỉ cũng như loại bỏ việc sử dụng enzym nhân tạo để tăng sản lượng rượu, Sơn Tinh sau cùng đã tạo ra công thức chiến thắng cho rượu đế Việt Nam.
Hãy thử tưởng tượng một quý ông veston thanh lịch, tay cầm chiếc ly pha lê trong suốt, viên đá tròn ngập phân nửa trong màu trắng tinh khiết của đế Việt Nam. Một hình ảnh rất khó tưởng tượng trước đây. Dù vậy, cũng không cần phải ngạc nhiên nếu thấy vài chú ngồi trong khu vườn rợp bóng cây: "Anh Bảy vô làm ly Sơn Tinh! Lúa bữa nay tốt không anh Bảy?". Và một bác buông cuốc đi vào.
Thật ra, một người làm được rồi sẽ nhiều người làm được. Trong số những loại rượu Việt Nam đã đoạt giải thưởng, chỉ có duy nhất Gin Sông Cái được tạo ra bởi một người gốc Việt. Đó không phải vì rượu Việt Nam không đủ ngon. Nguyên do có thể ở việc thiết kế bao bì, thương hiệu, cách thức đưa thương hiệu lên một tầm cao khác... Những điều này chưa được các gia đình chế biến rượu thủ công ở khắp nơi chú ý đến hoặc tập trung thực hiện nhất quán như những quốc gia khác đã làm. Vì công bằng mà nói, nếu đã thử qua sochu hay sake, bạn sẽ thấy nhiều tiếc nuối cho những ly mà chú Bảy, anh Ba, ông Tám... đang thưởng thức dưới khu vườn rợp bóng cây.