Người Nhật nhiều chuyện

Không gì khó chịu bằng việc trở thành nạn nhân của một vụ nhiều chuyện. Có rất nhiều thứ được thêu dệt xung quanh bạn, thông thường từ vô thưởng vô phạt đến xấu, chưa thấy tốt đẹp bao giờ. Bản thân “nhiều chuyện” vì lý do nào đó thu hút rất nhiều người tham gia, họ làm với niềm đam mê chứ không hẳn phiếm cho vui. 

Người Nhật cũng vậy, dù được cho là lịch sự, nhưng trong “nhiều chuyện”, họ khác hẳn, đầy nghịch lý.

Sự kín đáo của người Nhật về gia đình

Đối với gia đình của chính mình, người nhật rất kín tiếng. Bạn hiếm khi nghe họ đề cập đến vợ con, ngay cả việc họ có bao nhiêu bé, vợ họ tên gì, làm gì… Người Nhật cũng không để ảnh gia đình trong văn phòng, hình nền điện thoại. Nếu bạn vô tình hỏi, họ đột nhiên nhớ ra việc gì đó rất khẩn cấp kiểu như hỏa hoạn, đau bụng… và hứa sẽ nói về chuyện này lần khác. Nhưng không có lần khác đó. 

Người Nhật nhiều chuyện

Các mối quan hệ kín đáo

Thông thường, các cặp đôi Nhật rất trông đợi Giáng Sinh hay dịp tết Dương lịch. Họ sẽ mặc quần áo đẹp, ăn uống ở những nhà hàng sang trọng, du lịch… Nhưng khi hỏi một cô gái Nhật đã làm gì trong dịp Giáng Sinh, cô ấy sẽ tuôn ra hàng tràng về việc đi thăm ông bà, ăn nhiều đồ ăn ngon. Dễ thương vô cùng. Người Nhật luôn có những câu chuyện soạn sẵn như vậy và họ lôi ra bất cứ lúc nào cần thiết để không phải trả lời câu hỏi họ không muốn.

Đến các thành tựu cá nhân

Ở Việt Nam, khi bạn mua được chiếc xe mới, căn hộ mới, cả làng đều biết. Bạn cũng không muốn giấu, thậm chí có buổi tiệc nho nhỏ chia vui. Nhưng trong văn hóa Nhật, bạn không nên có xe đẹp hơn sếp hay đồng hồ đắt tiền hơn khách hàng cao quý của mình. Bạn phải luôn tỏ ra khiêm tốn, ngay cả việc tự hào về những thành tựu cá nhân.

Người Nhật nhiều chuyện

Kiểu như sáng vào văn phòng gào lên con tôi vừa đậu thủ khoa trong khi con sếp thi rớt, điểm liệt… thì bạn sẽ không được tăng lương cho trong vòng mười năm, thậm chí đến lúc về hưu.

Nghịch lý nhiều chuyện kiểu Nhật

Sau khi giữ kín tất cả những gì riêng tư của mình, người Nhật lại rất cởi mở… bàn về riêng tư của người khác. Dường như trong lúc kiệm lời về tất cả, họ khao khát được nhiều chuyện như bất cứ ai trên cõi đời ô trọc này.

Nếu bạn làm trong công ty Nhật hoặc đặc biệt khi sống ở Nhật, mọi người biết tất cả về bạn. Đó chưa phải là thảm họa. Họ, người Nhật với nhau, thậm chí sếp Nhật và khách hàng Nhật, bàn tán thoải mái về việc nhân viên A trong công ty là mẹ đơn thân, có con bao nhiêu tuổi; nhân viên B đàn ông nhưng chỉ thích đàn ông thôi, cặp hết anh này anh khác; nhân viên C ăn uống vô tội vạ phải giảm cân cả đời… Người Nhật nói những chuyện này với nhau đầy thích thú, công khai. Một phong cách nhiều chuyện thật đáng ghét.

Người Nhật nhiều chuyện

Sau cùng, dân tộc nào cũng… nhiều chuyện, ngay cả người Việt. Chỉ ước gì người Nhật giống Việt Nam hơn một chút. Khi bàn tán về ai đó, chúng ta đều hiểu rằng việc này không nên lắm và có giới hạn cho nó, ít nhất trong việc giấu bớt đam mê. 

Hoặc khi chúng ta hỏi họ về gia đình, đó chỉ là việc quan tâm giữa những con người với nhau chứ không phải một cuộc tấn công và người Nhật không nhất thiết phải đau bụng hay đi cứu một đám cháy vô hình.

Trong cuộc sống, một số việc không thể tránh khỏi, điển hình như có quá nhiều chuyện xảy ra và chúng ta đành… nhiều chuyện. Nhưng văn hóa khác nhau, vì vậy bạn nên hiểu rằng trong công ty Nhật, chuyện gì về bạn mà một người Nhật biết, cả cộng đồng Nhật xung quanh sẽ biết. Người Việt có câu: "Cẩn thận củi lửa".