Nhìn chung, người Bắc phức tạp hơn. Hãy nhìn cách họ phân biệt cái ly, cái cốc, cái ca; trong khi miền Nam chỉ là ly lớn ly nhỏ, ly nhựa ly thủy tinh… Có vẻ như mọi thứ phải được rõ ràng.
Ở phía Bắc, cũ chiếm ưu thế. Khi bạn đến Hà Nội, hình ảnh trai phố cổ luôn được đề cao so với trai các con phố hiện đại mặc dù hiếm khi chúng ta gặp được họ. Nghe như kiểu trai phố cổ phảng phất nét đẹp đầy rong rêu hoặc có hoa văn trống đồng quanh người vậy. Đối với Sài Gòn, nếu bạn nói mình là trai, mọi người chỉ hỏi "Chắc không?" chứ không quan tâm bạn đến từ đâu. Trai thôi đủ quý rồi.
Bạn cũng thường nghe nói về người Hà Nội mới, phân biệt với dân Hà Nội gốc đầy nuối tiếc. Thực tế, chúng ta không biết những người Hà Nội gốc này đang ở đâu trong khi người Hà Nội ngồi ngay trước mặt mình lại không phải Hà Nội?? Vùng đất lâu đời hàng ngàn năm, mọi suy nghĩ đều khác đi một chút và lan truyền xuống cả miền Nam…
Người Bắc cũ và những gì họ mang theo vào Nam
Trong Nam, người Bắc cũ được định nghĩa là những người vào miền Nam từ năm 1954. Chính sách lúc bấy giờ phân họ sống thành từng cụm rải rác khắp nơi như Tân Hiệp thuộc Kiên Giang; Hố Nai, Gia Kiệm thuộc Đồng Nai; Bắc Ninh, Tam Hà thuộc Thủ Đức…
Văn hóa miền Nam phong phú hơn rất nhiều nhờ những người Việt di cư này. Người Bắc cũ mang theo cuốn cẩm nang ẩm thực phong phú của họ. Đó là phở, canh rau ngót, rau đay, cà pháo, giả cầy, các loại giò hấp dẫn… Hiện nay, những quán cơm Bắc truyền thống ở Sài Gòn đều đông đúc, mặc dù một số quán bề ngoài khá bình dân nhưng giá cả không bình dân chút nào.
Người Bắc cũ cũng mang theo dòng nhạc pop trữ tình đa dạng, một sự khác biệt về nghệ thuật kéo dài cho đến nay. Sau đó là những thợ thủ công lành nghề và nguồn lực khổng lồ mở mang nhiều vùng đất mới.
Những người Bắc cũ có giọng nói ít Bắc hơn và trên thực tế hòa nhập hoàn toàn vào cuộc sống miền Nam. Họ không xa lạ việc “miền Nam kho cá như chè” hay người miền Tây ăn cơm với chuối, xoài... nữa. Nếu không vì chất giọng pha nhè nhẹ, thật khó phân biệt được người Bắc cũ. Dù sao họ cũng “miền Nam” hơn bảy mươi năm rồi.
Người Bắc mới
Người Bắc mới chưa có nhiều thời gian làm quen, vì vậy họ “Bắc” hơn, ít nhất về giọng nói. Về logic, thật khó hiểu khi một số trong họ có thể khen “Hà Lội đẹp nung ninh” trong khi chỉ cần đảo chữ lại. Đặc biệt, chuyện ngọng này hoàn toàn mất hút khi nói tiếng Anh ?!??!
Trong khi Bắc cũ có xu hướng nhẹ nhàng thâm trầm, người Bắc mới dường như bùng nổ, quyết liệt hơn. Làn sóng ẩm thực mà họ mang đến cũng vậy, sôi động mới mẻ với chè khúc bạch, sữa chua nếp cẩm, nước sấu, bún đậu, bún chả… tạo ra những trào lưu phong phú.
Cộng với đó là một văn hóa hài hước mới, sâu hơn, mỉa mai, đầy ẩn ý. Điều này góp phần làm cho ngay cả tiếng cười cũng đa dạng, sắc sảo hơn.
Làn sóng âm nhạc của người Bắc mới cũng phong phú không kém người Bắc cũ, như Dương Thụ hay Thanh Tùng là một điển hình.
Một điều không thể phủ nhận là người Bắc mới rất quyết tâm. Họ chăm chỉ, miệt mài theo đuổi mục tiêu không ngừng nghỉ.
Ở Sài Gòn, rất nhiều người trong chúng ta có họ hàng gần xa là những người Bắc cũ, bạn bè thân thiết lại là người Bắc mới. Mặc dù tồn tại ít nhiều khác biệt về văn hóa, tuy nhiên bên dưới bề mặt thô ráp, không bao giờ có một địa phương nào đó nhiều người tốt hơn những nơi khác. Ngay cả Việt Nam cũng không thể tốt hơn quốc gia bất kỳ nào đó. Thông thường, tốt và không tốt được phân bổ đều nhau trên trái đất.
Tất nhiên, người Bắc có thể chế giễu người Nam phương diện này hoặc kia và ngược lại. Dù vậy, những thành viên trong gia đình nói xấu nhau cũng bình thường. Đó là vẻ đẹp của sự khác biệt. Giống như việc bạn thấy vui khi bước ra một khu vườn đầy màu sắc. Thật nhàm chán khi tất cả những bông hoa đều giống hệt nhau.