Khác biệt khi đi làm công ty Nhật, Mĩ và Việt Nam

Nếu một lúc nào đó, cuộc đời may mắn đặt bạn trước 3 lựa chọn, hãy nhớ những gì dưới đây và tìm xem mình muốn gì. Còn khi mọi thứ diễn ra bình thường, đi làm thôi là quý rồi, cũng nên nhìn trước ngó sau…

Khác biệt khi đi làm công ty Nhật, Mĩ và Việt Nam

Nhật, Mĩ và Việt Nam là những công ty phổ biến nhất bạn sẽ gặp phải khi đi làm. Họ khác nhau như thế nào?

Hãy nhớ những điều cơ bản này: Đi làm cho Mĩ, bạn như anh cao bồi. Đi làm cho Nhật, bạn là một geisha. Đến với công ty Việt Nam, bạn là tất cả.

Cùng điểm qua vài tiêu chí cơ bản nhất nhé.

Thời gian và cường độ công việc

Ở văn phòng Mĩ, những anh cao bồi khá nặng nhọc. Quần quật liên tục. Chăn bò nhưng làm như trâu. Thời gian và tốc độ công việc đều lớn. Có quá nhiều việc phải làm. Thay vì 2 anh cao bồi cho 2 đàn bò thì luôn xảy ra việc có tới 3,4 đàn cho hai anh.

Khác biệt khi đi làm công ty Nhật, Mĩ và Việt Nam
Ảnh: Muhammad Raufan YusupOpen in new tab | UnsplashOpen in new tab

Nhìn sang các cô geisha, cười thôi đã hết ngày. Câu chuyện người Nhật làm đến chết dường như chỉ là một truyền thuyết. Nhìn chung ở công ty Nhật, thời gian làm việc có thể nhiều nhưng cường độ không lớn bằng. Rất nhiều cuộc họp mọi người đi nhẹ, nói khẽ, cười duyên, dạo lòng vòng không mục đích. Nghĩa là bạn vẫn phải làm như trâu, nhưng trâu đẹp, trâu lành.

Ở công ty Việt Nam, không phải khối nhà nước nhé, nhiều nơi diễn ra hai điều song song. Bạn quần quật như anh cao bồi và cười duyên trong các cuộc họp không rõ ý nghĩa như geisha. Tóm lại, vẫn như trâu. 

Mức lương

Câu “tiền nào của đó” thật đúng. Những anh cao bồi đa phần được trả như năng lực một tay 2 đàn bò của mình. Trong khi geisha sẽ thấp hơn một chút. 

Các công ty Việt Nam tất nhiên không thể sánh bằng. Tuy nhiên vẫn có rất ít trường hợp được trả cao hơn hẳn geisha hay cao bồi. Đó là vì người này được kỳ vọng sẽ thay đổi thế giới. Nhưng thông thường, thế giới vẫn vậy.

Khác biệt khi đi làm công ty Nhật, Mĩ và Việt Nam
Ảnh: Brooke CagleOpen in new tab | UnsplashOpen in new tab

Môi trường làm việc

Đúng bản chất một anh cao bồi, công ty Mĩ đa số tự do hơn, giờ giấc thoải mái. Bạn có thể đến văn phòng trễ miễn giải quyết hết mọi thứ. Nhưng khi chăm hai đàn bò cùng lúc, bạn nên quên việc đến quá trễ nếu không muốn ở lại quá khuya. Người Mĩ cũng đề cao hiệu quả, kết quả. Vì vậy họ có thể sa thải anh cao bồi với bất kỳ lý do hợp pháp nào để thuê ai đó với giá rẻ hơn, năng suất hơn. 

Khối Nhật khác hẳn. Môi trường làm việc này đề cao sự đồng thuận và tính tập thể. Mọi thứ nghiêm túc, quy chuẩn nhưng thân thiện. Rất ít khi một geisha bị đuổi đi cho dù màn trình diễn khá tồi. Mọi người có thể làm ở đây đến già nếu muốn. Vì vậy, geisha đôi khi phải học cách chịu đựng lẫn nhau và bạn không được phép lên cơn… samurai.

Việt Nam thì sao? 

Thật ngạc nhiên, dù chúng ta hay nói về tư bản bóc lột, nhưng số công ty Việt Nam sử dụng dấu vân tay, trễ giờ trừ lương… lại nhiều hơn hẳn geisha hay cao bồi. Các quy chuẩn, luật lệ thay đổi liên lục theo cảm hứng người đứng đầu. Bạn vừa phải học cách chịu đựng lẫn nhau vừa phải tránh cả samurai. 

Nói xấu những đồng nghiệp nước ngoài (phần 1) - Sloth
Chúng ta có thể nói về sự khác nhau trong cách làm việc của người Nam, người Bắc hay người Trung. Nhưng đó chưa là gì so với những người không nằm trong khối Bắc Trung Nam đó. Nào! Cùng làm công dân toàn cầu ngay trong Việt Nam nhé!
Open in new tab

Định hướng lâu dài

Cả geisha và cao bồi đều được đào tạo kỹ lưỡng. Nhật hay Mĩ rất chú trọng vào việc phát triển những người đang làm cho họ để mọi thứ có thể nhanh hơn, tốt hơn. Đặc biệt khi bạn có ý trở thành một geisha lâu năm. Công ty Việt Nam thì sao?

Có một vòng lẩn quẩn ở đây.

Đa số các bạn trẻ mới ra trường sẽ vào công ty Việt trước để lấy kinh nghiệm. Khi đủ lông đủ cánh, các bạn bay đi làm cao bồi hoặc geisha. Vì vậy những người chủ Việt không quan tâm đào tạo. Họ nghĩ rằng sau khi làm việc này, số nhân viên kia cũng sẽ nghỉ.

Kết quả là ở công ty Việt Nam thường tồn tại vài nhân viên trung thành cao cấp, những người không được đào tạo nhưng cũng không nghỉ.

Khác biệt khi đi làm công ty Nhật, Mĩ và Việt Nam
Ảnh: Robby McCulloughOpen in new tab | UnsplashOpen in new tab

Dù sao, rất khó tránh khỏi. Việt Nam có các công ty tư nhân đầu tiên vào những năm 1990. Ba mươi năm sau này là khoảng thời gian chưa đủ dài để xây dựng mọi thứ như Nhật hay Mĩ được. Còn quãng đường rất lớn phía trước. 

Trở lại với chúng ta, một người đi làm, bạn chỉ có thể lựa chọn: Làm một anh cao bồi chăn bò hay chị geisha chăm chỉ, hoặc chị geisha cưỡi ngựa chăn bò? Hạnh phúc là được lựa chọn. Chúc các bạn sáng suốt.