Đi làm vì tiền hay đam mê?

Điều buồn cười là khi đi làm, chúng ta được khuyến khích giữ một ngọn lửa nào đó. Nhưng không ai trong số những người sếp nhắc về việc giữ tiền cả dù tiền mới chính là lý do mọi người có mặt ở văn phòng vào mỗi sáng thứ hai.

Đi làm vì tiền hay đam mê?

Thật không công bằng khi xem đam mê như một khái niệm lý tưởng đẹp đẽ. Trong khi tiền lại có vẻ xấu xí thô thiển dù đóng góp của nó nhiều hơn.

Harvard Business Reviews khảo sát trên hàng nghìn triệu phú về mức độ tiền mà họ nghĩ cần để “giàu”.

Phần lớn những người được hỏi, cho dù sở hữu 1 triệu USD hay 10 triệu USD, đều cho biết họ hơi nghèo, cần phải tăng tài sản ít nhất từ 100% đến 1000% (thế mới là triệu phú). Dù vậy, trong các bài phỏng vấn, những người này lại nhắc đến đam mê như điều kiện tiên quyết để thành công chứ không phải cột mốc tiền bạc khắt khe mà họ theo đuổi. Điểm yếu của triệu phú là… xà lơ.

Còn chúng ta thì sao? Nên nói về đam mê hay tiền?

Đi làm vì tiền hay đam mê?
Ảnh: Thought CatalogOpen in new tab | UnsplashOpen in new tab

Đi làm với đam mê

Mặc dù chúng ta hay nói về đam mê nhưng thật ra rất ít người sở hữu đam mê.

Một ví dụ dễ hiểu: Có nhiều thanh niên ngu ngốc lạng lách trên đường phố, những người đam mê tốc độ. Nhưng giải đua mô tô toàn quốc tổ chức hằng năm ở Việt Nam hơi bị ế. Chưa bao giờ con số tham dự lên đến 60.

Tương tự, rất nhiều người mê game. Nhưng chỉ vài trong số đó trở thành vận động viên thể thao điện tử chuyên nghiệp và kiếm được tiền từ nó. 

Những đam mê còn lại hơi nửa mùa.

Tuy nhiên các tay đua hay game thủ chuyên nghiệp, những người theo đuổi đam mê đến cùng, đã thường nghèo khó khi bắt đầu. Điều an ủi duy nhất của việc nghèo là khi nghèo, bạn không đơn độc. Ngoài kia rất nhiều người nghèo. Sau đó đam mê sẽ chọn một hay hai trong số nghèo đó và dẫn dắt họ đến thành công, không phải tất cả.

Đi làm vì tiền hay đam mê?
Ảnh: Sam Moghadam KhamsehOpen in new tab | UnsplashOpen in new tab

Đi làm vì tiền thì sao?

Đam mê nghĩa là tôi không rời bỏ điều tôi thích để chạy theo đồng tiền thô thiển, nhưng nếu ở lại tôi vẫn phải có tiền.

Tiền không mua được mọi thứ, tiền không mang lại hạnh phúc. Nhưng cả hai sự thật đó đều ko cứu vãn được việc bạn không có tiền.

Có những tổ chức (hay chị HR) rất dễ gây ấn tượng. Họ trả ít hơn giá thị trường và nói với người xin việc rằng hãy theo đuổi đam mê, cơ hội phát triển, tương lai... Nhưng sự thật là nhiều công ty không thể trả cao hơn vì đơn giản giới chủ không thích nhận ít (những người cần tăng tài sản ít nhất từ 100% đến 1000%).

Thế giới rộng lớn. Có rất nhiều đam mê và sứ mệnh tuyệt vời để bạn tham gia. Sứ mệnh quan trọng nhất đối với bạn là chính bạn, nếu sứ mệnh này trùng lặp với công ty thì thật tốt. Nếu không, bạn phải đi tìm sứ mệnh khác lương cao hơn.

Đi làm vì tiền hay đam mê?
Ảnh: micheile hendersonOpen in new tab | UnsplashOpen in new tab

Làm gì với đam mê?

Nếu bạn tình cờ có một công việc hoàn toàn phù hợp với đam mê của mình và giỏi trong công việc đó thì bạn thực sự may mắn.

Dù chúng ta lãng mạn hóa mọi thứ đến mức nào đi chăng nữa, đôi khi niềm đam mê không mang lại đủ tiền. Hoặc có những trường hợp bạn đam mê nghệ thuật nhưng nghệ thuật lại không mê bạn. Thậm chí đôi khi sau này, đam mê vẫn có thể thay đổi.

Vì vậy khi chưa chắn chắn hoặc đam mê không khả thi, hãy tìm công việc có thể có những phần mà bạn thích làm. Nhắm đến nghề nghiệp phù hợp 100% đam mê là điều khá khó khăn. Cuối cùng, đừng quá lo lắng, hãy tìm sự cân bằng ở giữa và chờ đợi. Nếu có một đam mê thật sự bên trong, nó sẽ thắp sáng bạn bất kỳ lúc nào cho dù có thể hơi trễ. Lúc đó, hãy bước ra ánh sáng.

Nỗi buồn khởi nghiệp | Sloth
Theo thống kê, mỗi giây có 3 công ty khởi nghiệp ra đời trên toàn thế giới, có nghĩa gần 11 ngàn trong vòng mỗi giờ. Sau đó 90% sẽ đóng cửa vĩnh viễn. Những quá trình khởi nghiệp mang đầy nghiệp.
Open in new tab