Có một câu nói nổi tiếng ở Trung Quốc: Bất cứ nơi nào mặt trời rọi đến, người Phúc Kiến đều tìm thấy. Với kỹ năng hàng hải của mình, người Phúc Kiến tìm kiếm cơ hội ở mọi ngóc ngách trên thế giới, bất kể khí hậu khắc nghiệt hay văn hóa khác biệt. Cách đây 300 năm, họ quyết định triển vọng tươi sáng đó đang nằm ở Sài Gòn.
Rất nhiều đền chùa, hội quán được người Hoa xây lên khắp Việt Nam, nhưng những gì người Phúc Kiến làm ra là không thể nhầm lẫn.
Đuôi én và những lớp sóng tinh tế
Đầu tiên, người Phúc Kiến rất nổi tiếng về tài năng kiến trúc. Đặc điểm dễ nhận thấy nhất trong thiết kế của họ là chiếc mái cong duyên dáng. Tất nhiên Nhật Bản, Hàn Quốc, Campuchia… đều sử dụng mái cong nhưng đường cong và bán kính cong trong kiến trúc Phúc Kiến hoàn toàn khác biệt, nó tuân thủ theo thiên nhiên, mô tả chính xác đuôi của một con chim én.
“Mái đuôi én” (燕尾脊) này có thể bao gồm nhiều lớp, nhiều bán kính cong khác nhau chứ không nhất quán như kiểu của Nhật, Hàn hay các nước Đông Nam Á khác. Điều này tạo ra sự sinh động và khi nhìn ở khoảng cách xa, chúng ta sẽ thấy như những lớp sóng xô nhấp nhô vô cùng trực quan và mềm mại.
Hầu hết các kiến trúc Phúc Kiến chúng ta thấy ở Hội An, Sài Gòn đều tuân theo một công thức tương tự về thiết kế mái, bởi vì tạo hình đặc sắc này đã lan rộng khắp miền Nam Trung Quốc. Tuy nhiên, những chi tiết trang trí trên mái lại mang đến sự khác biệt quan trọng về mặt văn hóa giữa các công trình.
Hội quán Nhị Phủ
Các hình ảnh trên đều thuộc Hội quán Nhị Phủ trên đường Hải Thượng Lãn Ông. Những di dân từ hai thủ phủ của Phúc Kiến là Tuyền Châu và Chương Châu đã xây nên hội quán vào năm 1730, cách đây gần 300 năm, một kiến trúc Phúc Kiến kinh điển với các chi tiết tinh xảo và màu đỏ Á Đông tươi thắm kỳ lạ.
Nằm trên diện tích lên đến hơn hai ngàn mét vuông, nhưng Hội quán Nhị Phủ lại có vẻ về ngoài nhỏ nhắn hơn sự rộng lớn bên trong của nó. Công trình tuyệt đẹp này mang đến một cảm giác tươi sáng, hài hòa hơn là vẻ tâm linh huyền bí ở những nơi khác.
Với giếng trời thoáng đãng, những dãy hành lang dài ngoài trời, Hội quán Nhị Phủ đón toàn bộ ánh sáng tự nhiên chan hòa vào bên trong:
Trong khi hầu hết các ngôi chùa Hoa ở Sài Gòn đều thờ Quan Đế hay Thánh Mẫu, Hội quán Nhị Phủ là nơi duy nhất tôn vinh một Thổ thần, vị thần bảo vệ đất đai, con người.
Chính điện ở đây thờ Bổn Đầu Công. Có nhiều thông tin khác nhau về nguồn gốc ông Bổn. Tuy nhiên, có thể hiểu đây là một thiện thần hỗ trợ cho những di dân lập nghiệp, chăm sóc đất đai và đời sống của họ.
Những chi tiết kiến trúc, trang trí ở đây đều xinh xắn và tinh xảo để bạn có thể nhìn ngắm thật tỉ mỉ, chiêm ngưỡng vẻ đẹp giản dị tinh tế này.
Ngoài ra, đừng nhầm lẫn giữa Hội quán, chùa và miếu. Nơi này có nhiều tên: Miếu Nhị Phủ, Chùa ông Bổn, tuy nhiên Hội Quán Nhị Phủ gần với chức năng của công trình này nhất. Đó là nơi không chỉ thờ tự, nhiều hoạt động khác diễn ra ở đây như quyên góp cho trường học, trao học bổng cho học sinh nghèo hiếu học, tặng quà, thăm hỏi người già mỗi dịp Tết, cứu trợ gia đình nghèo, hỗ trợ thiên tai...
Sau cùng, khi đến Hội quán Nhị Phủ, đôi khi bạn sẽ gặp ai đó quỳ dưới chánh điện, tung hai mảnh gỗ nhỏ. Đó là người đang đối diện với khó khăn của cuộc sống và không thể đưa ra quyết định, Bổn Đầu Công mà họ tin tưởng sẽ hỗ trợ tinh thần, bảo vệ họ khỏi gian nan phía trước, tiếp một động lực còn quan trọng hơn cả việc phải quyết định như thế nào. Giống như vẻ đẹp mảnh mai của chiếc đuôi chim én chao liệng bên trên những con sóng nhấp nhô trập trùng.