Thời kỳ đại học, khi tiền trong túi rủng rỉnh hơn sau những lần làm thêm, hành trình “chữa lành" Phan Thiết, Đà Lạt ra đời… Một chuyến đi ba ngày và lại túng thiếu hết những ngày còn lại. Lúc này ước mơ chỉ là: mỗi tháng được đi Đà Lạt một lần.
Lúc bắt đầu đi làm, bỗng chốc phòng trọ đang ở trở nên chật chội, ba đứa cùng phòng ồn ào quá. Thế là đời sống thay đổi, ước mơ Đà Lạt nay phải cộng thêm nhà trọ duplex, bữa sushi, ly cocktail tối thứ sáu, gồng gánh thêm con mèo…
Tiền lương tăng dần theo thời gian bán mình cho tư bản, nhưng người ta nói: tiền vào nhà khó như gió vào nhà trống. Tại sao nhà lại trống vậy?
Vòng tuần hoàn của lương
Con cái đại gia như chúng ta sau hơn mười ngày cuối tháng gian nan, không từ ngữ nào diễn tả hết nỗi đau cả ngày đi làm vất vả, tối về chỉ có trứng chiên, trứng luộc, trứng hấp, trứng xào mướp… Lúc có lương, phải chiêu đãi bản thân gấp, lập tức chữa lành: một bữa sushi hoành tráng, ngày trà sữa, đêm cocktail… Tiền bạc là để mua sự thoải mái.
Sau những ngày tưng bừng này, gió bắt dầu vào nhà trống. Mười ngày cuối tháng trước đầy trứng thì mười ngày cuối tháng sau trứng đầy. Cứ thế…
Càng lớn, cuộc sống càng bất ngờ
Có nhiều thứ chúng ta chuẩn bị cho cuộc sống như ăn uống, vui chơi, làm đẹp… Nhưng như thế là chưa đủ. Nhiều sự kiện bất ngờ sẽ diễn ra thường xuyên hơn khi trưởng thành. Kiểu như hồi còn đi học, không ai mời đi đám cưới, có vài mối quan hệ phải giữ khi đi làm, mèo bất ngờ gãy chân báo ba mẹ… Phúc bất trùng lai, họa vô đơn chí, khi bạn nghèo khó, gió luôn tìm đến.
Những lời khuyên online
Rất nhiều giải pháp bạn sẽ đọc được trên internet như lập ra các khoản chi tiêu cần thiết, tiền phát sinh, tiền tiết kiệm và tuân thủ… Nếu bạn có thể làm theo, thật tốt. Nhưng mọi thứ không đơn giản như vậy.
Nhiều khi, khoản lương đơn giản là không đủ cho những kế hoạch này. Hoặc nếu làm theo nó, biết bao giờ mình mới được chữa lành?
Giải pháp thực tế luôn đến từ chính mình
Đành phải công nhận rằng thực tế khi mới ra trường, tiền bạn kiếm được dù nhiều hơn thời sinh viên, nhưng chưa đủ. Có một giải pháp đơn giản: xem xét đổi sang công việc có thu nhập cao hơn.
Cùng với đó, chánh niệm về chi tiêu cũng phải được giữ vững: biết đủ là đủ.
Khi bạn thích, cái gì cũng cần: đôi dép hình khủng long, mũ uống nước, cảm hứng trà sữa… Thật khó thoát khỏi ham muốn. Nhưng hãy ghi khắc cho mình vài kỷ niệm đáng nhớ. Lúc sắp chốt đơn, hãy nghĩ về những món trứng cuối tháng và cơn gió độc. Có thể bạn sẽ chùn tay.
Trước kia bạn đã sống mà không có đôi dép khủng long, uống nước trong cái ly bình thường. Khi không cần nữa, vật chất chỉ nhất thời. Bữa tiệc nào cũng có thể từ chối, vui đó buồn đây. Chánh niệm tài chính mới là ánh sáng tự do thật sự. Bằng lòng với những gì đang có, cuối tháng sẽ đầy thanh thản. Không ai phải cạo gió cho bạn cả.
Sau cùng, chỉ một lần chấm dứt vòng lặp của trứng, vòng lặp tươi sáng hơn sẽ hiện ra và cho bạn những kỷ niệm khác. Có một nguyên tắc tự do tài chính mà các chuyên gia thường giấu kín: Càng ít tiêu xài, càng nhiều tự do.
Nhưng nhớ thường xuyên nghĩ về món trứng nhé: trứng chiên, trứng luộc, trứng hấp, trứng xào mướp...