Thật ra, không dễ tìm một chỗ thư giãn hoàn hảo ở trung tâm Sài Gòn. Quá đông, quá ồn, quá lộn xộn hoặc quá lòe loẹt, thiếu nhất quán… Nhưng trong tiểu khu cổ kính này, dường như mọi thứ cân bằng hơn, những gì còn sót lại đủ để làm mọi người tò mò rằng mình đang ở một nơi kỳ lạ như thế nào. Quá khứ và sự sôi động của hiện tại đan xen vào nhau trong những chi tiết nhỏ đang lụi tàn.
Bên trong nhà máy thuốc phiện cũ
Hẻm 74 Hai Bà Trưng chứa đựng nhiều thứ như miêu tả của tấm biển bên ngoài dành cho những ai chú ý và dừng lại.
Người Pháp không bao giờ xem mình là kẻ xâm lược, chiếm đóng hay thực dân. Họ tự hào mang đến Việt Nam nhiều thứ bổ ích như chữ viết, văn minh, kiến trúc… trong đó có cả thuốc phiện. Nhà máy này được xây dựng vào năm 1881, nơi làm ra loại ma túy tinh khiết hàng đầu Châu Á lúc bấy giờ, theo công nghệ chiết xuất tiên tiến nhất.
Manufacture d'Opium là một doanh nghiệp nhà nước tồn tại cho đến năm 1955, khi người Pháp rút đi. Ngày nay trong cổng lớn, bạn vẫn có thể nhìn thấy hoa văn của cây thuốc phiện và logo công ty với hai chữ cái M, O trang trí trên cổng sắt.
Thuốc phiện đóng góp tới 25% ngân sách Đông Dương, cùng với dịch vụ mại dâm từ Nhật Bản được độc quyền quản lý bởi nhà nước, có vẻ như cuộc sống người Pháp ở Việt Nam không đến nỗi quá khó khăn.
Nhà máy thuốc phiện này là một trong những điều kỳ lạ của Sài Gòn. Người đi bộ trong sự yên tĩnh buổi sáng, từ bờ sông hướng về trung tâm sẽ cảm nhận được mùi nha phiến thoang thoảng len vào mũi, hé lộ sự gần gũi của nhà máy thuốc phiện lớn nhất Đông Dương với đời sống hằng ngày.
Thuốc phiện lúc này hợp pháp dù các báo cáo của Pháp và châu Âu đều nêu rõ tác hại của nó. Người nghiện có hẳn bộ sưu tập lỉnh kỉnh các dụng cụ nho nhỏ phức tạp, làm cho việc hút hít trở thành một nghi thức trang trọng. Họ thường nằm nghiêng bên trái, điềm tĩnh tận hưởng, lúc thuốc tác dụng, họ... lật ngửa luôn dễ dàng.
Những nhân viên người Việt làm trong nhà máy bị kiểm tra nghiêm ngặt. Tuy nhiên nhiều vụ trộm cắp thành phẩm đã bị phát hiện với án tù khá nặng. Đến năm 1955, người Pháp buộc phải rút khỏi miền Nam, để lại nhà máy hoang tàn và nhiều con nghiện bơ vơ vật vã khắp Đông Dương.
Một tiểu khu sôi động
Ngày này, qua khỏi cánh cổng phía ngoài, nếu bạn chọn ngồi bên trái, quán Mexico - Rico Taco hoặc The Refinery, đó là vị trí nhà ở của Tổng Giám Đốc Manufacture d'Opium, với các cửa vòm thanh lịch trang trọng.
Trong đó, The Refinery cho cám giác chill hơn, đặc biệt khi ngồi hẳn bên ngoài.
Kiến trúc bên trong còn khá nguyên vẹn với tường dày, phòng ốc và những thanh dầm sắt kiên cố trên mái.
Bên cạnh The Refinery sẽ là lối đi nhỏ với cầu thang cổ kính mà bạn không nên bỏ qua. Những chi tiết điệu đà, kín đáo mang dáng dấp của hoa anh túc được bố trí khéo léo dọc theo lan can sắt và tay vịn gỗ cũ kỹ.
Qua khỏi cầu thang, bạn sẽ đến Hoa Túc, một nhà hàng Việt Nam nổi tiếng khác. Vị trí này trước kia là nhà kho chứa thuốc nên không còn cửa sổ vòm phức tạp nữa. Tuy nhiên Hoa Túc vẫn trang trí không gian của mình rất Đông Dương cổ điển.
Bên phải, nhà máy sản xuất đã bị phá bỏ hoàn toàn. Khoảng sân lớn phía trước nay lấp lánh ánh đèn và các quán ăn nhỏ bao bọc.
Con hẻm cô đọng này chứa đựng nhiều cảm giác khác biệt khi bạn chọn ngồi ở mỗi góc khác nhau, giống như du lịch đến vùng đất khác vậy. Một chút bãi biển, quán bar, lề đường thành phố, sôi động, yên tĩnh...
Tuy nhiên, cám giác lạ lẫm nhất vẫn là thưởng thức chai bia lạnh cuối tuần và biết rằng mình đang ngồi trong một nhà máy từng nổi tiếng nhất Đông Dương, di sản xấu xí nay chỗ còn, chỗ mất... Chỉ cần đi qua khỏi ô cửa lớn với những hoa văn anh túc trên đầu, những ánh đèn lấp lánh hiện tại sẽ mở ra tất cả.

Bài viết có tham khảo tài liệu của https://www.entreprises-coloniales.fr/