Không giống như Hà Nội, Sài Gòn không có khái niệm dân "Sài Gòn gốc" hay "Sài Gòn ngọn". Những người đang sinh sống và làm việc ở đây đều có thể nói là người Sài Gòn. Thành phố này mở rộng cho tất cả. Vì vậy, chúng ta sẽ tìm hiểu đôi chút về thành phố của mình nhé.
1. Lịch sử Sài Gòn
Trước khi người Việt đến định cư vào thế kỷ 17, thành phố Hồ Chí Minh là khu vực thưa thớt người trong vương quốc cổ có tên Phù Nam, quốc vương là một người gốc... Ấn Độ. Mấy tuần nay báo chí đăng tải về việc Campuchia dự định làm một kênh đào lớn ra biển tên Phù Nam, đó là cái tên lấy theo vùng đất cổ này.
Sau đó Sài Gòn nằm trong về Champa và Khmer kế tiếp nhau. Với sự xuất hiện của người Việt, khu vực này trở nên thịnh vượng hơn và trở thành thành phố từ năm 1623 đến năm 1698.
2. Những cái tên
Thành phố Hồ Chí Minh đã trải qua nhiều cái tên. Ban đầu, nó được gọi là Pray Nokoro (Thành phố trong rừng) hoặc Preah Reach Nokor (Thành phố hoàng gia). Sau đó, những người Việt đầu tiên đã đặt tên cho vùng đất này là Gia Định. Năm 1862, Gia Định lại đổi thành Sài Gòn.
Sau 1975, cái tên Thành phố Hồ Chí Minh chính thức ra đời. Tuy nhiên, thực tế vẫn tồn tại hai tên song song: Thành phố Hồ Chí Minh hoặc Sài Gòn.
3. Thành phố đông dân nhất
Thành phố Hồ Chí Minh có dân số cao nhất Việt Nam với hơn 9 triệu người đăng ký chính thức. Con số không chính thức xấp xỉ 14 triệu theo số liệu của cục thống kê. Đó là lý do đến Tết cổ truyền, đường xá lại vắng vẻ yên tĩnh, xe cộ tha hồ bon bon so với ngày thường.
4. Đa sắc tộc
Khoảng 94% dân số là người Kinh. Nhóm dân tộc lớn thứ hai là người Hoa, chiếm gần 6% dân số. Họ nói nhiều thứ tiếng Trung Quốc như tiếng Hẹ, Quảng Đông, Quan Thoại và Phúc Kiến. Dân tộc Khmer chiếm 0,3% dân số trong khi người Chăm chiếm 0,1% dân số.
5. Vở nhạc kịch "Miss Saigon"
Có một vở nhạc kịch mang tên "Miss Saigon" kể về cuộc đời bi kịch của cô gái Việt mồ côi tên Kim. Vở này nổi tiếng trên khắp các sàn diễn Anh, Mỹ sau 3 thập niên, đến tận ngày nay. Giá vé ở hàng ghế bình thường hơn 100USD. Sau thời gian dài gìn giữ thành công, cuối cùng vở diễn cũng bị rò rỉ trên Youtube với chất lượng âm thanh khá tệ. Dù sao, Miss Saigon đối với người Việt cũng không thật sự gần gũi mấy nếu bạn nào tò mò muốn xem thử.
6. Một trong những trung tâm ẩm thực lớn nhất thế giới
Người dân từ khắp mọi miền đất nước đến sinh sống ở Sài Gòn đã góp phần tạo nên sự đa dạng chưa từng thấy về ẩm thực. Có thể thưởng thức các món ăn từ miền Bắc, Trung, Nam cho đến từng địa phương riêng biệt. Ngoài ra còn có các nền ẩm thực từ những nước phổ biến như Hoa, Nhật, Hàn Quốc, Ấn Độ, Pháp, Ý... cho đến Mexico, Lào, Argentina, Cambodia...
Những món ăn địa phương khác nhau đến Sài Gòn thông thường sẽ biến đổi đi một chút. Bún bò Huế ở Sài Gòn không giống ở Huế, phở Hà Nội ở Sài Gòn cũng vậy.
7. Giá cả
Năm 2021, Thành phố Hồ Chí Minh xếp hạng thành phố đắt đỏ thứ 50 của Châu Á và thứ 201 trên thế giới. Nếu như vào năm 2000, tô phở có mức giá phổ biến 5 ngàn đồng thì đến 2020 đã đạt 50 ngàn. Tuy vậy, người ta vẫn có thể tìm thấy tô phở chỉ bằng nửa mức giá phổ biến trên ở nhiều nơi trong thành phố, nhưng có thể chắc chắn rằng bây giờ, 5 ngàn chỉ đủ để gửi một chiếc xe máy mà thôi.
8. Trung tâm Spa của cả nước
Sài Gòn có số lượng Spa lớn nhất Việt Nam với nhiều loại hình như thư giãn, trị liệu, làm đẹp, chữa lành... với giá cả tương đối dễ chịu. Đẹp lên hay không còn tùy thuộc hiện trạng khách, tuy nhiên chất lượng dịch vụ tốt là điều không phải bàn cãi. Thật phù hợp cho một thành phố nhiệt đới nóng ẩm.
9. Những chiếc xe máy
Sài Gòn có lưu lượng xe máy lưu thông lớn nhất cả nước. Với khoảng 1,5 triệu xe ra vào thành phố mỗi ngày cùng với hơn 7 triệu xe được đăng ký trên 9 triệu người dân. Thật nhộn nhịp và đông đúc.
10. Văn hóa cà phê phong phú
Một sự thật thú vị về thành phố Hồ Chí Minh là từ khi người Pháp du nhập vào cho đến nay, mọi người luôn làm ra những hạt cà phê hảo hạng. Cà phê có lẽ là thức uống được yêu thích nhất Sài Gòn với đa dạng các hình thức như espresso, phin truyền thống, pha kiểu Nhật, Thổ Nhĩ Kỳ, lạnh... cho đến những kiểu kết hợp kỳ lạ với dừa, trứng, muối...
Trên khắp Thành phố Hồ Chí Minh, mọi người dễ dàng tìm thấy các quán cà phê với giá từ 20 ngàn cho đến 100 ngàn đồng. Thật ngạc nhiên khi văn hóa cà phê phổ biến đến mức ngay cả các giao dịch kinh doanh cũng được ký kết trong quán cà phê.
Với tất cả những thông tin thú vị trên, thật dễ hiểu khi Sài Gòn đón hơn 3 triệu du khách mỗi năm cùng rất nhiều người từ khắp mọi miền đất nước sẽ và đang sinh sống trên mảnh đất xinh đẹp luôn rộng mở này.