Thế giới đũa
Ước tính khoảng 33% dân số thế giới sử dụng đũa hàng ngày. Đối với những người lần đầu thử dùng đũa trong cơn đói bụng, đó có thể là thử thách thực sự. Nghệ thuật không dành cho lúc gấp gáp…
Đũa ăn hàng ngày trông thật đơn giản và quen thuộc. Tuy nhiên nếu nhìn biểu cảm kinh ngạc của một bạn Tây khi đang ngắm chúng ta gắp trứng cút, hạt đậu... bạn sẽ thấy mình đúng là nghệ nhân. Và đôi đũa trong tay bạn cũng đúng là đũa thần!
Trung Quốc là quê hương của đũa. Chúng đã được sử dụng từ cách đây khoảng 3000-5000 năm. Người ta nói rằng sự phổ biến của đũa trên khắp Trung Quốc là do bùng nổ dân số và tình trạng thiếu nguyên liệu; vì vậy thức ăn được cắt thành nhiều miếng nhỏ hơn nhằm chia đều cho khẩu phần ít ỏi.
Theo thời gian, đũa bắt đầu đi sang các quốc gia khác ở khu vực Châu Á (nhưng chưa bao giờ đến Ấn Độ) và trở thành dụng cụ ăn uống chính của mọi người. Ngày nay trong thế giới đũa, các cường quốc thường được nhắc đến nhiều nhất là Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản và Việt Nam.
Nhìn chung không có quá nhiều thay đổi so với phiên bản đầu tiên, vẫn chỉ hai thanh đơn giản. Tuy nhiên kiểu dáng của nó ở mỗi nơi lại tương đối khác nhau, không phải ngẫu nhiên như vậy, có những câu chuyện phía sau.
Khác với phần còn lại, đũa Việt Nam và Trung Quốc sẽ dài hơn cả. Có lý thuyết cho rằng ngoài việc dùng để ăn, mọi người còn sử dụng đũa để nấu nướng cũng như văn hóa ăn chung bàn chung mâm, chung thức ăn. Đũa dài tiện lợi cho việc với gắp khắp nơi. Tuy nhiên, nhìn vào hình bên dưới:
Bạn sẽ thấy người Nhật cũng chia sẻ thức ăn như Trung Quốc và Việt Nam. Vì vậy, nguyên nhân của chiếc đũa dài ở nước ta và Trung Quốc phần nhiều có thể do đây là hai quốc gia của vùng nhiên liệu, nhiều tre nhiều gỗ, cứ làm ra hai thanh dài như ý mình cho tiện dụng.
Trong khi đó, với một đất nước không nhiều tài nguyên và thói quen ăn cá, người Nhật tiêu thụ 25 tỉ đôi đũa mỗi năm, loại dùng một lần (đũa tái sử dụng rất khó rửa sạch hết mùi cá). Vì vậy, chiếc đũa ngắn nhất có thể, phù hợp cho việc tiết kiệm hơn. Người Nhật có hẳn những quy tắc về độ dài của đũa. Nếu trẻ em cao dưới 1m, loại đũa nên dùng dài 13cm. Còn khi đã đạt chiều cao 1,2m trở lên, tất cả đều dùng đũa 18cm.
Còn Hàn Quốc, cũng là đũa, nhưng lạ quá…!! Hẳn ít nhất bạn đã từng một lần bối rối bởi cặp... kim loại này.
Thật ra trước đây Hàn Quốc vẫn có đũa gỗ. Tuy nhiên sau chiến tranh Triều Tiên, để tiết kiệm, chính phủ đã khuyến khích người dân sử dụng đũa kim loại. Và do làm từ kim loại nên hình dáng phẳng dẹt sẽ dễ sản xuất hơn. Có lẽ trong những lần đầu người Hàn cũng nhăn nhó, tuy nhiên thực tế nếu đã quen, bạn sẽ thấy với hình dáng này sẽ giúp gia tăng tiết diện với thức ăn, từng cú gắp do đó sẽ chắc chắn hơn. Dù sao, vẫn là việc mình quen với điều gì. Nếu bạn từng đến quán Hàn, đũa kim loại dẹt sau khi gắp qua vài món mỡ màng thực sự khó khăn cho người Việt.
Cách dùng đũa
Chuyện này thật quen thuộc với chúng ta, nhưng nếu nghĩ về việc dùng nó trong thế giới ẩm thực, bạn sẽ cảm thấy đôi đũa kì diệu như thế nào.
Chỉ bằng hai thanh gỗ với vẻ ngoài khiêm tốn, nó có thể làm hầu hết mọi tác vụ phức tạp như xẻ, gắp, xiên, dằm, trộn, lật… Thậm chí với những món khó xử như… đậu phộng, đũa vẫn giải quyết thật mượt mà, có điều phải từ tốn chứ khó có thể ào ào như trong phim kung fu được :)
Cùng với đó là những lợi ích sức khỏe ít biết đũa mang lại mỗi ngày. Mỗi khi gắp thức ăn, bạn lại đang sử dụng khoảng 50 nhóm cơ cùng hàng ngàn dây thần kinh khác nhau, chuyện này giúp bạn vô tình luyện khả năng phối hợp, quan sát, ghi nhớ…
Dù vậy vẫn có những quy tắc bất thành văn chúng ta cần ghi nhớ. Ví dụ như không được dùng đũa để gõ chén, không được cầm gần đầu đũa quá, không được dùng đũa chỉ vào người khác, khi gắp đồ ăn cho người khác phải đổi đầu ngược lại… và nhiều luật lệ khác nữa.
Chính vì đũa quan trọng như thế trong đời sống mỗi ngày, nên những thứ liên quan đến nó cũng thú vị bất ngờ không kém.
Ở Trung Quốc, theo thống kê hàng năm có khoảng 45 tỷ đôi đũa dùng một lần được tiêu thụ, chính vì thế chính phủ hoảng quá nên đã áp dụng ngay mức thuế 5% đối với loại đũa này để giảm thiểu việc lãng phí tài nguyên.
Dù vậy hầu hết đũa đều rẻ, nhưng không phải tất cả. Có nhiều loại đũa được làm từ những nguyên liệu đắt đỏ như gạc hươu, gỗ xà cừ, gỗ tuyết tùng... tất nhiên chúng được dùng nhiều lần :).
Thậm chí đến từ những thương hiệu nổi tiếng với ngoại hình khó hiểu :).
Sau đó mọi người còn đưa những tác phẩm nghệ thuật vào đũa...
... và tạo ra rất nhiều gác đũa nữa :)
Sau cùng, dù người Nhật có nổi tiếng với những đôi đũa nghệ thuật, người Hàn với cặp đũa kim loại khác biệt, hay Trung Quốc ghi dấu ấn với số lượng đũa khổng lồ. Việt Nam vẫn là người anh lớn, bởi chúng ta có... đũa Cả :).