Nếu sống ở Việt Nam vào mùa này, hãy luôn mang bên mình một chiếc áo mưa. Mặc dù vài thực tế về áo mưa có thể làm bạn hơi buồn nhưng không sao, cũng có thực tế vui nữa.
Bây giờ, hãy đi qua nỗi buồn trước nhé.
- 1. Áo mưa không bao giờ hiệu quả 100% trong việc chống mưa. Với một cơn mưa trung bình đến lớn, bằng cách nào đó những hạt nước vẫn len lỏi vào bên trong cổ, tay, chân...
- 2. Dù vậy, áo mưa thực sự bảo vệ bạn trước những cơn gió lạnh lẽo đi kèm trong mưa. Như vậy cũng rất quý rồi.
- 3. Có người mặc áo đầm đẹp, có người mặc áo dài đẹp... Nhưng hiếm ai mặc áo mưa đẹp. Thiết kế của nó triệt tiêu hết tất cả vẻ đẹp và đường nét của con người.
- 4. Ngày nay, phần lớn áo mưa có tác dụng phụ được tận dụng hơn cả: Quảng cáo. Và cho dù chỉ có tác dụng phụ, nhưng nhiều thương hiệu được in trên nó làm người mặc khó xử hơn cả cơn mưa bên ngoài.
5. Nếu vì lý do nào đó vừa đến công ty hay điểm hẹn dưới cơn mưa, bạn nhét nó vào xe và quên mất thì y như rằng, trong cơn mưa tiếp theo khi mở ra, chiếc áo mưa thúi không thể tưởng tượng. Nhưng bạn vẫn phải chui đầu vào. Đó hẳn là nỗi buồn lớn nhất trong ngày: ở trong một chiếc áo mưa ẩm ướt, thúi và nhăn nhúm.
Còn bây giờ, hãy đến với những niềm vui:
Khoảng 80 năm trước, Việt Nam vẫn còn sử dụng một loại áo mưa gọi là "áo tơi" được ghép từ nhiều lớp lá với nhau, chứ không làm từ nhựa hay cao su bây giờ. Mặc một thời gian đúng là nó có tơi ra thật.
Áo mưa có một chiều dài lịch sử phát triển vô cùng phong phú. Ở phía Châu Á, chiếc áo mưa đầu tiên được ghi nhận vào thời nhà Chu với chất liệu từ cỏ và rơm.
Kiểu áo mưa làm từ cỏ và rơm này (áo tơi) giúp ích rất nhiều trong công việc cày cấy tại những đất nước nông nghiệp như Việt Nam. Thế nên mới có câu ca dao:
Trời mưa thì mặc trời mưa
Chồng tôi đi bừa đã có áo tơi
Tuy nhiên chiếc áo mưa chống thấm đầu tiên gần gũi với mọi người hơn cả là của Macintosh - một chuyên gia hóa học Scotland, người phát minh ra phương pháp đặt lớp cao su vào giữa các lớp vải với nhau để tạo ra được chiếc áo chống thấm vào năm 1836. Việc này có ý nghĩa đến nỗi ngày nay hầu hết mọi người ở Anh gọi áo mưa là “Mackintosh" thay vì “Raincoat”. Và không ai biết tại sao thương hiệu áo mưa này về sau lại có thêm chữ “K”.
Vào Thế chiến thứ nhất, Thomas Burberry (nhà sáng lập hãng thời trang Burberry nổi tiếng của Anh) đã tạo ra chiếc áo mưa nổi tiếng nhất, vừa có thể chống nước, giữ ấm, vừa có khả năng thoáng khí. Chiếc áo lúc bấy giờ chỉ dành riêng cho binh sĩ và được gọi là “Trench (rãnh, hào) Coat” thay vì “Raincoat”, vì hầu hết những người lính đều chiến đấu bên dưới chiến hào ẩm ướt giá lạnh…
Chiến tranh kết thúc, chiếc áo Trench Coat trở thành sản phẩm thời trang mang tính biểu tượng không thể thiếu ở Anh, đất nước bị bao phủ thường xuyên bởi sương mù và những cơn mưa nhỏ bất chợt.
Theo thời gian những cải tiến về công nghệ cũng như thiết kế đã giúp áo mưa trở thành một trong những sản phẩm thời trang quan trọng vượt ngoài khả năng chống mưa thông thường. Nhưng mục đích sau cùng vẫn là giúp mọi người cảm thấy thoải mái nhất trong những điều kiện thời tiết xấu.
Giá cả của những chiếc áo mưa cũng có thể sẽ khiến bạn bất ngờ đấy.
Phổ biến nhất ở Việt Nam là chiếc áo mưa cánh dơi. Áo mưa cánh dơi dễ mặc, phù hợp mọi kích cỡ và quan trọng nhất là người phía sau có thể ké vào khi đi xe máy.
Để tôn vinh những cống hiến của áo mưa mang lại cho con người, thế giới cũng có Ngày Áo mưa, đó là 16 tháng 9 hằng năm. Để hưởng ứng ngày này, bạn chỉ việc mặc chiếc áo mưa đẹp thơm tho ra đường, tất nhiên là nếu trời có mưa nhé. Sau đó nhớ phơi kỹ trước khi gấp lại nhé, mùi áo mưa thuộc loại mùi ám ảnh khá lâu.