Một trật tự chỉ có thể thay đổi, điều chỉnh chút ít để phù hợp với bối cảnh. Nhưng khi nó đảo lộn hoàn toàn, phải có nguyên nhân sâu xa hơn. Nước Mĩ ngày nay không còn bạn bè, đồng minh, không mở rộng vòng tay với các quốc gia nhỏ nữa. Chuyện gì đã xảy ra?
Phương Tây đang quan tâm đến một học thuyết mới vừa ra đời, len lỏi trong lòng nước Mĩ, ảnh hưởng lớn đến chính sách và quyết định của những người đứng đầu, cụ thể là Đảng cộng hòa. Tên gọi của nó kỳ dị không kém.
Chủ nghĩa Tân phản động
Tiếng Pháp gọi đó là Néo-réaction (viết tắt NRx) với chữ Neo nghĩa là “mới”. Tiếng Anh có phần u ám hơn: Dark Enlightenment. Trong đó Dark mang nghĩa Hắc ám, Đen tối; còn Enlightenment được hiểu như Khai sáng, Khai minh.
Học thuyết này được sinh ra trong những năm 2007, 2008 bởi Curtis Yarvin, một kỹ sư phần mềm kiêm blogger. Sau đó triết gia người Anh - Nick Land phát triển thêm hệ tư tưởng cho nó. Ngày nay, theo quan điểm của các tờ báo lớn như Time, The Guardian, Financial Times… “Tân phản động” đang là kim chỉ nam cho các chính sách của Tổng thống Trump, phó Tổng thống hay những người ủng hộ ông như Elon Musk, Peter Thiel…
Hãy đi lần lượt nhé…
1. Nhìn chung, “Tân phản động” cho rằng nền Dân chủ mà con người theo đuổi đang tan vỡ và họ chuẩn bị cho sự thay thế tiếp theo. Kiểu như bạn đứng đầu một nhà máy với mười ngàn công nhân, cần phải quyết định thu hẹp quy mô sản xuất hay không, bạn không thể hỏi ý kiến của mười ngàn người theo kiểu dân chủ được, chuyện đó chẳng dẫn đến đâu. Tóm lại, Dân chủ rườm rà, khó thực hiện chính sách. Nước Mĩ chỉ nên được dẫn dắt bởi một nhà độc tài tinh hoa duy nhất để các quyết định có thể thực hiện dễ dàng, nhanh chóng hơn.
2. Đất nước điển hình “Tân phản động” sẽ vận hành như một công ty, quản lý bằng công nghệ và Tổng thống là một kiểu “CEO quốc gia”. Công dân trở thành khách hàng thông qua thuế họ đóng và vì vậy không có quyền quyết định. CEO làm mọi thứ theo ý tưởng của mình.
3. “Tân phản động” muốn khởi động lại chính phủ, bao gồm cắt giảm quy mô lớn, phá bỏ nhà nước hành chính kiểu cũ, tạo ra sự thay đổi triệt để. Bởi vì họ có niềm tin mạnh mẽ rằng nền Dân chủ Mĩ sẽ tự hủy hoàn toàn bởi chính nó, quá trình này không thể tránh khỏi.
4. Một điều quan trọng nữa của “Tân phản động” là xem trọng chủng tộc. Địa vị kinh tế, xã hội của một người đại diện cho trí thông minh của người đó. Giàu sẽ mạnh còn yếu nghèo là gánh nặng. Phụ nữ, người da màu không thông minh bằng đàn ông, người da trắng; vì vậy họ cũng không nên có bất cứ quyền lực nào. Gia đình trở lại cấu trúc như cũ, đàn ông đi làm và phụ nữ ở nhà sinh con.
Đó là những nét chính cơ bản của Tân phản động hay Hắc ám Khai minh. Bạn có thể tìm hiểu thêm về học thuyết mới này với từ khóa Dark Enlightenment. Nhìn chung, các lý thuyết nhấn mạnh việc kẻ mạnh làm những gì họ muốn và kẻ yếu chịu đựng những gì họ phải chịu. Từ nay, nước Mĩ không còn xu hướng đấu tranh cho tự do, phẩm giá con người, đẩy lùi dịch bệnh toàn cầu hay thúc đẩy nền dân chủ của chính họ nữa. Các giá trị đó là phù phiếm và không có lợi ích nào rõ ràng.
Những ảnh hưởng của Tân phản động
Tương ứng với những đặc điểm bên trên, sự thay đang đổi diễn ra song song:
1. Nhà độc tài được kỳ vọng là ông Trump. Ông cũng đang “dọn dẹp” tất cả những người chống lại ý tưởng của mình.
2. Ông Trump, “CEO quốc gia” mới, một nhiệm kỳ thứ hai đầy những lợi ích kinh doanh và các tuyên bố tự đắc. Nhiều tỉ phú như Musk, Thiel… đi theo ông vì họ là giới siêu giàu, nắm giữ kỹ thuật, cho rằng mình xứng đáng có nhiều quyền lực hơn. Những người đàn ông da trắng trong xã hội Mĩ mất địa vị của họ trong mấy chục năm qua cũng thấy đường lối này phù hợp.
3. Chính phủ của ông Trump hiện đóng cửa rất nhiều phòng ban. Quan trọng nhất, trong một đoạn podcast, phó Tổng thống Vance nói rằng cần phải tấn công vào các trường đại học, trái tim của ý thức hệ cũ. Lập tức, Bộ giáo dục Mĩ bị giải tán. Các điều luật được xem là giá trị Dân chủ trước đó như công ty phải có bao nhiêu phần trăm người da đen, phụ nữ, LGBT... đều bị xóa bỏ.
4. Cách nhìn về “da trắng thượng đẳng” sẽ không tôn trọng bất kỳ quốc gia nhỏ bé nào. Cách Trump nói về đối thủ hay nước yếu hơn cũng đầy khinh miệt (như Ukraine). Vì vậy, không có gì ngạc nhiên khi những vùng lãnh thổ chịu thuế lớn nhất bao gồm cả Việt Nam, Campuchia, Sri Lanka… Lợi ích của quốc gia thượng đẳng trên hết và họ nghĩ rằng họ có quyền làm như thế, quyền của kẻ mạnh.
Tóm lại là…
Có thể mọi người xem thường nhiệm kỳ MAGA trước của Trump với các khẩu hiệu mang tính cổ động hô hào, nhưng không nên đánh giá thấp lần này.
Nhìn vào những tháng ngày ít ỏi qua, các dòng tweet gây sốc đã không còn. Thay vào đó, nhiều chính sách mạnh mẽ được thực hiện liên tục, ảnh hưởng lớn đến cấu trúc thế giới cũ. Sự nguy hiểm nằm ở việc Trump, đội quân phía sau ông có lý tưởng, học thuyết và cố gắng thực hiện nó. Họ cũng có công nghệ, tiền, sức mạnh, quyết tâm…
Điều không may là nước Mĩ quá lớn, quá ảnh hưởng… nên tác hại nếu có cũng lớn. Không ai biết những chính sách này sẽ đẩy thế giới đi xa đến mức nào. Một vùng xoáy dữ đang hình thành... Nước Mĩ và chúng ta đều có nguy cơ trải qua một thời gian dài u tối để chứng minh rằng hệ tư tưởng mới của họ chỉ cần thể nghiệm bấy nhiêu thôi là đủ. Trường hợp Đảng cộng hòa thắng thêm nhiệm kỳ tiếp theo nữa, sự lạc quan sẽ càng thấp hơn. Khi đó, từ “Dark” trong triết lý kia trên thực tế phản ánh mọi thứ đúng hơn “Enlightenment”.
Bài viết có sử dụng tài liệu của:
- Time Magazine
- Financial Times
- The Guardian và một số tài liệu khác
