Tại sao nhiều người hung hăng trên mạng xã hội?

Vô cùng hung hãn, tục tĩu, tỏ ra thông thái, trịch thượng… trên mạng xã hội. Nhưng nếu gặp họ bên ngoài, bạn sẽ rất ngạc nhiên. Đó có thể là những người nhút nhát, yếu kém, thất bại… hoặc lành tính. Tại sao họ lại trình diễn bộ mặt kinh khủng như vậy trên môi trường internet?

Tại sao nhiều người hung hăng trên mạng xã hội?

Cách đây không lâu, ca sỹ Tuấn Hưng bị chê bai theo cách tục tĩu trên mạng xã hội. Một vị giáo sư toán học lừng danh khác cũng từng bị chửi “ngu”.

Bây giờ, thử tưởng tượng tất cả được chuyển sang offline. Thanh niên vô danh tầm thường đến trước mặt Tuấn Hưng và nói đúng những lời mình viết trên mạng. Một trung niên công sở trực tiếp thẳng thắn với vị giáo sư về trí tuệ vớ vẩn của ông…

Tất cả chuyện này đều không diễn ra. Khi đối diện với Tuấn Hưng hay giáo sư toán học, những chiến binh bàn phím đều thấp kém, tội nghiệp. Vậy tại sao trên mạng họ lại hùng hổ đến thế?

Tại sao nhiều người hung hăng trên mạng xã hội?
Ảnh: engin akyurtOpen in new tab | UnsplashOpen in new tab

Ai cũng muốn được được chú ý

Trước khi có internet, những gì chúng ta đọc được ở báo chí thường là ý kiến của các chuyên gia và đã được thẩm định. Người bình thường như kế toán, planner, buôn bán bất động sản… không có cơ hội vì họ không đủ xuất sắc.

Ngày nay, mọi thứ dễ dàng cho những người này. Nhu cầu được thể hiện, được lắng nghe thôi thúc họ sản xuất những commen sắc sảo, thiện chiến... Tất nhiên chê bai ca sỹ nổi tiếng không làm người ta hát hay hơn, nhưng ít nhất cũng mang lại cảm giác ngang hàng phải lứa. Bình thường giữa đám đông, không biết khi nào mới được Tuấn Hưng nhìn thấy.

Ném đá giấu tay vui hơn

Giống như những đứa bé thích ném đá vào đoàn tàu đi ngang, mạng xã hội cũng vậy. Đám đông chửi mắng trọng tài FIFA thoải mái, những điều họ không bao giờ dám làm bên ngoài vì sẽ lãnh... hậu quả.

Kiểu như nói câu ngớ ngẩn cho sướng mồm nhưng bị cú kungfu như Eric Cantona đã làm, thà im từ đầu.

Tại sao nhiều người hung hăng trên mạng xã hội?
Ảnh: Marca.com

Hay ra trước mặt Tuấn Hưng vớ vẩn tí… Bạn biết Tuấn Hưng rồi đấy.

Thuật toán mạng xã hội

Các thuật toán cũng góp phần làm đám đông trông có vẻ ngầu pín hơn. Xu hướng hiển thị nội dung phù hợp quan điểm và niềm tin của người sử dụng làm cho họ nghĩ rằng mình được bao quanh bởi những người có cùng chí hướng… đi chửi người khác, và họ chính là người cầm cờ. 

Cảm xúc

Bình thường bên ngoài, trong công ty, nhóm bạn… mặc dù bạn rất cố gắng đưa ra các ý kiến nguy hiểm nhưng tất cả trôi tuột đi, chẳng ai quan tâm. Tuy nhiên, khi để lại một bình luận vớ vẩn, gặp đúng tâm hồn đồng điệu vào like, bạn cảm thấy thật thành đạt, cảm xúc trào dâng… Xin cám ơn tình yêu…

Tại sao nhiều người hung hăng trên mạng xã hội?
Ảnh: Igor OmilaevOpen in new tab | UnsplashOpen in new tab

Sự vô tri

Vài cộng đồng rất đông được lập ra để anti… một em bé. Bản chất mạng xã hội khiến mọi người quên rằng có ai đó thật sự đằng sau màn hình. Sự vô tri này góp phần tạo ra hành vi hung hăng. Bởi vì khi bạn bình luận một giáo sư “ngu”, bạn đủ ngu để không biết rằng ông ấy cũng có gia đình, con cháu, bạn bè… những người có thể đọc được.

Chưa quen offline và online

Chúng ta trải qua rất nhiều năm mới đạt được cách ứng xử như hiện nay giữa con người với con người. Mạng xã hội chưa học được thói quen này. Đó là cánh đồng hoang dã nơi con thú nào nhanh hơn, ẩn nấp sâu hơn sẽ chiến thắng. Nhưng bạn có thể thấy Tuấn Hưng chưa bao giờ đi chửi mắng anh ất ơ thất bại nào, vị giáo sư kia cũng không nói ai “ngu” bao giờ. Vì vậy, chuyện này phụ thuộc rất nhiều vào cá nhân. 

Dù sao, chưa có quy tắc không có nghĩa là không có quy tắc. Trước khi nhấn “enter”, hãy nghĩ thật rõ ràng: Mình dám nói như thế này bên ngoài hay không?

Nếu câu trả lời là “Không”, hãy bình tĩnh dẹp bỏ những cảm xúc quyến rũ vừa rồi. Chúng sẽ qua nhanh thôi. Suy nghĩ thấu đáo là biểu hiện của trí tuệ, không phải chiếc comment có vài người like.