Đầu tiên, hãy xem qua những cách chúng ta đã làm để bảo vệ môi trường.
Giờ trái đất
Những năm đầu Việt Nam cùng tham gia giờ trái đất với thế giới. Khi hầu hết đèn trong thành phố vụt tắt, màn đêm lan tỏa khắp nơi…
Mọi người vui quá liền ngồi vòng tròn, đốt nến như trung thu. Trái đất thấy vậy cũng không nói gì.
Đây chỉ là ví dụ nhỏ về việc chúng ta và trái đất dường như không được cùng pha cho lắm, dù đã cố gắng thật lòng.
Giảm rác thải nhựa
Hầu hết nhựa không phân hủy sinh học hoặc rất lâu, hàng trăm năm. Vì vậy phải ngưng sử dụng chúng.
Tuy nhiên vì nhựa rất nhẹ nên cứ thử tưởng tượng tất cả chai nước suối, nước ngọt chúng ta uống đều làm bằng thủy tinh. Việc vận chuyển chúng thôi đã tăng gấp đôi mức tiêu thụ năng lượng toàn cầu.
Các lớp nhựa khi dùng bảo quản trái cây, rau quả cũng tăng thời hạn sử dụng chúng lên vài lần và vì thế con người có đủ thực phẩm để ăn.
Dù vậy, số lần tái chế nhựa là có giới hạn và vì những tiện ích chưa thể thay thế, nhựa vẫn có mặt trong hầu hết cuộc sống hằng ngày. Mỗi năm, 400 triệu tấn nhựa được sản xuất, 40% trong đó là nhựa dùng một lần.
Những ý tưởng khác
Theo nghiên cứu của đại học Leeds, mỗi người có thể giảm được nhiều tấn CO2 mỗi năm nếu sống không cần ô tô, cắt bỏ các chuyến bay đường dài, sử dụng phương tiện công cộng, ăn chay… Những việc nghe thôi đã khó.
Con người không thể nào chỉ đi xe đạp, cũng không thể nào không bay sang Mĩ, Nhật… Ngay cả việc ăn chay, các loại hạt đều nhập khẩu và phải mất rất nhiều lượt xe tải, máy bay hay tàu mới vận chuyển được đến nơi.
Bảo vệ môi trường là điều khó nhất con người phải đối mặt cho đến nay. Những nỗ lực cứ lẩn quẩn năm này qua tháng nọ… Chỉ cần điểm qua những ý tưởng chính thôi cũng đủ thấy chúng ta đã bối rối như thế nào.
Vì sao mọi thứ như thế này?
Nếu tìm hiểu về môi trường, những giải pháp luôn là vậy: ý thức cá nhân, năng lượng tái tạo, giảm rác thải… Những điều mọi người đều biết từ rất lâu nhưng chưa làm được.
Lý do cơ bản nhất trong chuyện này có thể là do chính chúng ta.
Không phải chúng ta thiếu ý thức hay làm chưa đủ, mà vì chúng ta quá đông.
Trong tự nhiên, bất kỳ loài nào khác trở nên quá đông đều gây ra mất cân bằng. Con người luôn cố gắng hành động để bảo vệ sự cân bằng đó nhưng với chính mình thì không thể. Các tập đoàn sản xuất ra nhiều chai nhựa nhất luôn tập trung vào những quốc gia đông dân, những thị trường lớn để bán những cái chai nhựa của mình. Chúng ta phải có đủ thực phẩm để ăn mỗi ngày nên các túi nhựa vẫn tồn tại. Chúng ta cần đi ô tô, bay sang Mĩ và Mĩ cũng cần bay sang với chúng ta nữa… Những nhu cầu lớn nhỏ của con người đều phải xảy ra mỗi ngày.
Và chúng ta cũng đông thêm mỗi ngày. Đông hơn đồng nghĩa với khó tồn tại hơn và trong lúc vượt khó, đôi khi chúng ta làm tổn hại môi trường.
Có giải pháp nào không?
Giống như nhiều thứ khác của cuộc sống, giải pháp vẫn đang được tìm kiếm và thực hiện.
Nói như vậy có nghĩa việc tái chế chai nhựa vẫn tốt hơn nhiều so với vứt chúng đi.
Các cuộc khảo sát liên tục cho thấy rất nhiều người ở Việt Nam và trên thế giới đang nỗ lực hết sức để bảo vệ môi trường. Họ thu thập chai nhựa, phân loại rác, để riêng pin… Có thể hiểu rằng môi trường tệ đi mỗi năm, nhưng đó là ít tệ hơn so với việc nếu chúng ta không có bất kỳ hành động nào. Việc con người quá đông là không thể tránh khỏi.
Vì vậy, tối nay, bạn vẫn hãy tắt tất cả các thiết bị điện trong một tiếng. Ngay cả việc làm này cũng không hẳn giúp gì được nhiều cho trái đất. Nhưng ít nhất nó giúp cho bạn nhớ rằng mình đang sống trên trái đất mà chúng ta phải bảo vệ. Đừng để trái đất phải nhắc.