Mặc dù đa số chúng ta đều đang trong một mối quan hệ nào đó, nhưng người bên cạnh vẫn chưa chắc là tri kỷ. Nhiều cuộc tranh luận trên thế giới về việc có tồn tại một tri kỷ cho mỗi người hay không. Và trong hơn tám tỷ người ngoài kia, xác suất chúng ta nhìn thấy họ là bao nhiêu?
Toán học tuyệt vọng về tri kỷ
Trong cuốn What If?: Serious Scientific Answers to Absurd Hypothetical Questions, tác giả Randall Munroe, một cựu kỹ sư NASA, từng thử tính toán cơ hội gặp tri kỷ bằng cách... nhìn vào mắt người khác. Nếu chịu khó giao tiếp bằng mắt với vài chục người mỗi ngày trong suốt cuộc đời, bạn có khoảng 1/10.000 cơ hội gặp đúng tri kỷ — một xác suất khiến những người chăm chỉ nhất cũng phải chùn chân.
Tuy nhiên, bạn cũng có thể đi theo trang web này để tìm ra ai đó gần nhà hơn. Nó sẽ cho bạn biết Sài Gòn đang còn bao nhiêu người độc thân trong độ tuổi thích hợp. Nếu không quá khó tính, bạn sẽ có vài chục cơ hội. Nghe như rất triển vọng, nhưng biết tìm ở Bình Chánh, Thủ Đức, Bình Thạnh hay trong công ty đây? Một nhiệm vụ không hề dễ dàng khi nhìn hơn mười triệu người ngược xuôi trong thành phố, cảm giác như mò kim đáy vũ trụ vậy.
Tâm lý học: Tri kỷ có thể... hình thành
Khác với các con số khô khan, tâm lý học đưa ra giả thuyết dễ chịu hơn: tri kỷ không nhất thiết là người bạn gặp và nhận ra ngay từ đầu. Nhưng thời gian sẽ dần hình thành sợi dây liên kết bền chặt đến nỗi trở thành thiêng liêng. Tri kỷ phụ thuộc vào việc bạn sẵn lòng đi tìm cô ấy và vun đắp mối quan hệ.
Ý tưởng này giống như khi bạn lạc trên hoang đảo cùng cô gái mình rất ghét. Nhưng sau vài năm, một khi con tàu rộng lượng đi ngang, hai người chắc chắn sẽ ôm nhau và nắm tay lên boong trong tiếng vỗ tay xúc động của thủy thủ đoàn.
Điều này có thể khiến định nghĩa “tri kỷ” trở nên gần gũi hơn, không phải sự sắp đặt huyền bí, mà là kết quả của lòng kiên nhẫn, quan tâm và khả năng chia sẻ.
Thuyết năng lượng tin chắc vào sự tồn tại của tri kỷ
Theo tài liệu của The Science of Soulmates - Khoa học về Tri kỷ - một tài liệu không thiên về dẫn chứng… khoa học lắm, những người tri kỷ mang năng lượng tương đồng với nhau trong vũ trụ. Ví dụ bạn gặp ai đó và yêu ngay từ cái nhìn đầu tiên (theo phương pháp toán học), nguyên nhân bởi nguồn năng lượng nguyên thủy của bạn tương đương với người kia, thế là tiếng sét nổ ra.
Điểm yếu của thuyết năng lượng nằm ở chỗ không định vị rõ cho chúng ta biết nên tìm tiếng sét ấy ở đâu.
Tri kỷ có tồn tại không?
Nếu toán học đúng, chắc hẳn chúng ta sẽ rất buồn. Nếu tin vào tâm lý học, bạn sẽ hiểu rằng tri kỷ là điều có thể tạo nên, nhưng không kém phần thử thách. Và nếu là người theo đuổi năng lượng, bạn biết mình sẽ phải chờ một dấu hiệu rất mong manh.
Tri kỷ là trải nghiệm cực kỳ khó.
Có người may mắn gặp được họ từ rất sớm và sống một đời không nghi ngờ gì về điều đó. Có người phải đến năm mươi, sáu mươi tuổi mới nhận ra ai mới là người thấu hiểu mình nhất. Nhưng sự muộn màng đó không làm tri kỷ mất đi vẻ đẹp, đôi khi còn khiến nó trở nên quý giá hơn.
Để gặp tri kỷ, bạn cần sự chính xác của toán học, sự cố gắng của tâm lý học và chút bất ngờ của năng lượng. Và khi bạn tìm thấy người đó, dù bằng cách nào, bạn sẽ thấy rằng mọi thứ thật xứng đáng.
Trong lúc chờ tri kỷ: có thể yêu một người “gần đúng” không?
Có một khái niệm thú vị trong tâm lý hiện đại: “tri kỷ có kỳ hạn” những người bước vào cuộc đời ta ở đúng thời điểm, giúp ta hiểu thêm về chính mình, rồi lặng lẽ hoặc ồn ào rời đi. Họ không gắn bó vĩnh viễn, nhưng từng là “người đúng” trong một giai đoạn nào đó. Một phiên bản tri kỷ có giới hạn thời gian nhưng không vì thế mà kém phần sâu sắc.
Và đôi khi, nếu đủ may mắn, người “tạm đúng” ấy lại trở thành người “mãi mãi đúng”, ai mà biết được.
