Có những bí mật lớn và nho nhỏ đằng sau các con đường ở Sài Gòn. Đó là câu chuyện quá khứ kì lạ và thực tế hấp dẫn cuốn hút. Hãy cùng Sloth khám phá nhé!
Mễ Cốc
Thoạt nghe dường như tên con đường được đặt theo một địa danh Trung Quốc, hoặc chốn tu luyện thâm sơn cùng cốc tuyệt đẹp nào đó của các bậc thầy võ công. Nhưng nguồn gốc của tên Mễ Cốc khá khiêm tốn, dịch qua tiếng Việt có thể hiểu nôm na là “Bến lúa gạo”. Khi những người Hoa khi di cư sang đây đã biến nơi này thành một vựa lúa lớn, xuất khẩu đi các nước Đông Nam Á. Và rồi đến thời thực dân Pháp lập cảng Sài Gòn thì nơi đây có đến hàng trăm ghe thuyền từ các tỉnh miền Tây chở lúa đến mỗi ngày, vào kho bãi tại đây để chờ mang đi xay xát.
Ngày nay, không còn những kho lúa gạo đầy ắp như xưa nhưng con đường thuộc quận 8 này vẫn luôn giữ cho mình những nét đẹp của một Sài Gòn xưa cũ. Và nếu bạn đã cùng Sloth khám phá nơi đây qua tour 3 cù lao ắt hẳn bạn sẽ cảm thấy rằng cái tên Mễ Cốc không chỉ bao gồm là “Bến lúa gạo” nữa.
Vạn Kiếp
Nghe như câu chuyện cổ tích của một cặp đôi yêu nhau qua nhiều kiếp. Nhưng thật sự Vạn Kiếp chính là tên căn cứ hải quân lớn nhất của quân đội ta thời Lý – Trần, gắn liền với trận đánh Vạn Kiếp nổi tiếng.
Hiện nay có một sự khác biệt lớn, Vạn Kiếp trở thành một trong những con đường ẩm thực phong phú nhất tại Bình Thạnh. Sinh tố Vạn Kiếp, Súp cua Trang, Bún nước Quyên, Bánh cuốn trứng Vạn Kiếp,… Và còn rất nhiều món hấp dẫn khác nữa. Những người bán hàng tại đây có rỉ tai nhau một lời đồn rằng, dù cho ở kiếp nào đi chăng nữa nếu còn đến đây thì bạn sẽ luôn bị tăng cân. Và mọi người đến rất đông để kiểm chứng :))
Xuân Thuỷ
Khu Thảo Điền khi xưa là một vùng đất trũng, xung quanh đầm lầy và cây cỏ hoang dại. Cái tên Thảo Điền bắt nguồn từ đó. Thế nên mọi người cũng dễ lầm tưởng Xuân Thuỷ, con đường cắt ngang sầm uất nhất Thảo Điền, cũng mang ý nghĩa tương tự. Xuân của mùa xuân còn Thuỷ là nước của đầm lầy. Nhưng sự thật Xuân Thuỷ chính là bí danh của ông Nguyễn Trọng Nhâm (1912-1985) một nhà cách mạng, chính khách, nhà ngoại giao, nhà thơ và nhà báo. Ông từng giữ chứ Bộ trưởng Bộ Ngoại giao, Trưởng đoàn đàm phán của Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa tại Hội nghị Paris.
Ông Nguyễn Trọng Nhâm ắt hẳn sẽ rất ngạc nhiên vì con đường mang tên mình nay trở thành một trong những khu phố sầm uất nhất Thảo Điền, nơi ẩm thực và giải trí của nhiều nền văn hoá khác nhau hội tụ. Đặc biệt, có thể kể đến hột vịt lộn Kim Thảo, món ăn độc đáo kì lạ của Việt Nam làm nức lòng bao thực khách gần xa.
Thái Văn Lung
Thái Văn Lung, một luật sư, đại biểu quốc hội và cũng là chiến sĩ cách mạng trong kháng chiến chống Pháp. Ông hy sinh khi còn rất trẻ và người ta đã lấy tên ông để đặt cho con đường này.
Vào những năm 1990, khi những người Nhật đầu tiên đặt chân đến đã chọn nơi này sinh sống, đồng thời biến khu Thái Văn Lung và những con đường xung quanh thành một Tokyo thu nhỏ giữa lòng Sài Gòn. Thật thú vị biết bao khi có thể khám phá Nhật Bản theo cách đơn giản và hấp dẫn nhất.
Nguyễn Án
Đây có lẽ là đường nhỏ bé nhất trong danh sách, đúng theo nghĩa đen khi có thể ví nó như một con hẻm. Thay vì gọi bằng Hẻm A, B,C,… người ta vẫn quyết định lấy tên của một quan tri huyện tại thành phố Hải Phòng thời vua Gia Long năm xưa để đặt, đó chính là đường (hẻm) Nguyễn Án.
Nhỏ bé nhưng không tầm thường, chỉ trên dài độ khoảng 200m ấy là tập hợp bốn quán mì lâu đời nổi tiếng nhất của khu người Hoa: Phiêu Kí, Minh Kí, Lục Kí, Uy Lợi. Chính vì thế nơi đây có thể được xem như là trung tâm mì gia của khu vực Sài Gòn Chợ Lớn.