Chuyện ngày xưa: Tỏ tình và từ chối khéo

Ngày nay, khi bạn xem một màn flash mob tỏ tình tưởng chừng như lãng mạn. Tuy nhiên ở khía cạnh nào đó lại rất giống ép người kia không được từ chối mình.

Tỏ tình sao cho gọn gàng, từ chối sao cho khéo léo - nhất là giữ được phong độ phái mạnh - khó hơn chúng ta nghĩ. Tuy nhiên, người Việt đã từng làm việc này rất tốt.

Lục Vân Tiên sau khi cứu Kiều Nguyệt Nga liền nói:

Khoan khoan ngồi đó chớ ra,

Nàng là phận gái, ta là phận trai.

Tuy nhiên, bằng cách nào đó Nguyệt Nga vẫn… ra, lại còn họa hình mang theo bên mình và nguyện gắn bó với Vân Tiên suốt đời nữa chứ. Trường hợp này rõ ràng “Ơn cứu mạng biết lấy gì báo đáp, thiếp chỉ có tấm thân này”.

Chuyện ngày xưa: Tỏ tình và từ chối khéo
Ảnh: Download.vn

Có thể hiểu, ngôn ngữ thừa sức làm được tất cả dù ở trong thời đại nào, khi chuyện “tình cảm” xảy ra. Hãy xem những lựa chọn dưới đây, câu nào cũng quen thuộc bạn đã đọc đâu đó. Nhưng hàm ý và mục đích sử dụng của chúng thật vi diệu và tinh tế.

Chúng ta bắt đầu với thiếu hiệp cứu cô nương nào đó nhé.

Chuyện ngày xưa: Tỏ tình và từ chối khéo
Ảnh: SideQuesting

Sau khi trừ gian diệt bạo...

Cô gái bình tâm lại:

- Ơn cứu mạng biết lấy gì báo đáp, thiếp chỉ có tấm thân này.

Lúc này, nếu chàng trai nhìn sang và choáng ngợp trước nhan sắc xinh đẹp:

- Lời cô nương nói là thật sao?

- Thật chứ sao.

Và họ nên duyên giai ngẫu.

Trường hợp chàng trai nghe vậy nhìn sang, tấm thân hơi bự hoặc mọi thứ hơi thất vọng. Chàng có thể nói:

- Không không… Lời cô nương nói ngàn lần không được.

Cô gái cũng không thể bỏ hết thể diện: “Được mà, được mà”. Họ sẽ chia tay êm thấm.

Cô gái cũng có những lựa chọn của mình. Nếu cô nhìn sang và vị anh hùng quá được mắt, vạm vỡ, đao kiếm sáng choang. Tất nhiên cô sẽ nói:

- Ơn cứu mạng biết lấy gì báo đáp, thiếp chỉ có tấm thân này.

Trường hợp anh hùng hơi bết bát, tơi tả. Cô gái vẫn có thể nói:

- Ơn cứu mạng biết lấy gì báo đáp. Kiếp sau xin được làm thân trâu ngựa…

Không ai biết kiếp sau là kiếp nào. Chỉ biết kiếp này cô ấy có thể ra về.

Nhìn chung, tất cả những gì người xưa cần đều có. Táo bạo bày tỏ tình cảm, táo bạo chấp nhận hay khéo léo rút lui đều diễn ra trong nhẹ nhàng tinh tế, không ai làm bẽ mặt ai. Họ là những bậc thầy về nội dung. Ngày nay, những khóa học về content ngày càng nhiều, nhưng xét trên bối cảnh, các quy ước, luật lệ... Thật khó để bì kịp những gì đã qua. Nếu bạn xem các tác phẩm của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh, chàng trai thường mất rất nhiều thời gian để làm cho cô gái hiểu tình cảm của mình, hoặc "ai cũng hiểu chỉ một người không hiểu". Nhưng cách đó đến vài trăm năm, chỉ cần 3 chữ "tấm thân này" và mọi thứ đều ngã ngũ. Một ví dụ hơi khiên cưỡng, nhưng biết đâu tốt hơn màn flash mob kinh điển:

- Ly trà sữa trân châu này, biết lấy gì báo đáp, thiếp chỉ có...

- Ơ... Lời cô nương nói ngàn lần không được, ta đã trót hẹn ước với thiếu hiệp bên kia...