Bài thơ buồn của một copywriter vô danh

Bài thơ được một anh copywriter trong công ty Nhật nổi tiếng viết ra, ban đầu có tên là “Văn tế quảng cáo”. Một tuần sau khi bài “Văn tế quảng cáo” ra đời, tác giả qua đời, trên bàn làm việc. Những người làm sáng tạo thời kỳ đầu chưa quen với sự khắc nghiệt của nền công nghiệp này hoặc áp lực kiểu Nhật Bản.

Anh copywriter là người yêu thơ, đặc biệt thích Du Tử Lê nên đã dùng câu mở đầu của ông:

Nếu tôi chết, hãy đưa tôi ra biển

Trên quan tài đề hai chữ “layout”

Để đại dương nổi hết trận ba đào

Nghe văn tế trải dài trên leaflet…

Đừng than khóc, đừng chơi trò feed back

Để tôi nằm, không một tiếng complain

Nước mắt nào rỏ xuống giữa đêm đen

Lời ai điếu chất đầy vào print-ad

Option nào rồi cũng die, cũng chết

Slogan nào thách thức nổi thời gian?

Packaging 6 tấm cháy thành than

Banner lượn giữa trời chiều tê tái…

Idea nào cũng trở về cát bụi

Concept nào rồi cũng hóa ra tro

Ta ngồi đây phất mãi tấm billboard

Job request rơi vào miền vô nghĩa…

Đặt sticker vào cõi lòng nhân thế

Rung wobbler giữa thế giới cuồng phong

Trải poster ra giữa một cánh đồng

Nghe gió đổ giữa đại ngàn hoang dại…

Thảo headline mà lòng buồn vời vợi

Thêm tagline cũng chẳng khá gì hơn

Shelf talker chết đứng giữa khung buồn

Teaser chẳng làm nhân gian sửng sốt

Số phận ta là cơn dông bất chợt

TVC xoay chuyển đến ngàn sau

Ta về đây nghe gió lượn qua cầu

Ôi rách nát story board tơi tả…

Chẳng ai đem đời mình mà mặc cả

Mà deadline vẫn dí sát sau lưng

Một ngày kia nghe bão tố lên đường

Trong quạnh quẽ không một người ngồi brief…

Bài thơ buồn của một copywriter vô danh
Ảnh: Erik Eastman | Unsplash

Bài thơ có vui có buồn này được làm vào khoảng những năm đầu 2000, khi chưa có social post hay digital…, chỉ những chất liệu quảng cáo truyền thống.

Có một từ phản ánh mặt tối xấu xí của người Nhật: Karoshi, nghĩa là làm việc đến chết. Rất tiếc, đôi khi họ vô tình mang khái niệm đó đến Việt Nam.

Dù sao, "Văn tế quảng cáo" cũng là bài thơ kỳ lạ mang đầy tình cảm của một người rất yêu công việc đầy nặng nhọc này.