Khám phá miền duyên hải phía Nam Trung Hoa

Sài Gòn là nơi người Hoa sinh sống nhiều nhất cả nước, chiếm khoảng 6% dân số thành phố. Người Hoa đã góp phần không nhỏ tạo nên vẻ đẹp cá tính rất riêng góp phần làm đa dạng văn hóa Sài Gòn. Khu người Chợ Lớn là nơi cộng động này để lại nhiều dấu ấn nhất, nằm trải dài qua qua ba quận 5,6,11.

Tuy người Hoa sống dọc khắp Chợ Lớn, nhưng dựa trên nguyên quán hay phương ngữ, họ được chia thành nhiều bang hội. Tại Sài Gòn, xuyên suốt quá trình lịch sử, tuy có thay đổi ít nhiều, nhưng chủ yếu gồm 5 bang: Quảng Đông, Phúc Kiến, Triều Châu, Hải Nam và Hẹ. Mỗi bang có trụ sở riêng gọi là hội quán. Đây ví như một ngôi nhà chung, được người Hoa dùng để gặp gỡ, giao lưu cũng như giữ gìn bản sắc văn hóa của mình.

Sloth gợi ý đến bạn một hành trình khám phá nét đẹp văn hoá của người Hoa thông qua các hội quán, cùng với đó là tận hưởng nền ẩm thực độc đáo của họ. Tour này không tốn quá nhiều thời gian di chuyển nhưng mang lại cảm giác của một vòng Trung Quốc thu nhỏ hoặc bước vào bộ phim dã sử Hồng Kông…

Khám phá miền duyên hải phía Nam Trung Hoa
Quãng đường di chuyển không quá dài, bạn có thể đi bộ vừa để tận hưởng chậm rãi bầu không khí xung quanh cũng như linh động hơn trong việc gửi xe tại các hội quán. 

Bắt đầu, hãy đến vùng Nam Hải xa xôi…

Trước mắt bạn chính là Hội Quán duy nhất của người Hoa gốc Hải Nam tại Sài Gòn.

Khám phá miền duyên hải phía Nam Trung Hoa
Nơi đây được gọi là Hội Quán Quỳnh Phủ hoặc Chùa Bà Hải Nam.

Người Hoa quan trọng về việc bảo tồn, duy trì nền văn hóa dân tộc của mình cho các thế hệ tiếp theo, có thể đó là lý do bên cạnh hội quán thường có thêm trường học. Hội quán còn là nơi quyên góp tài chính xây trường, cấp học bổng cho con em trong cộng đồng bang hội của mình nói riêng cũng như người Hoa nói chung. Tính đến nay, người Hoa ở khu vực Sài Gòn – Chợ Lớn đã xây dựng được hơn 120 trường học.

Khám phá miền duyên hải phía Nam Trung Hoa
Hội quán Quỳnh Phủ đã hiến một phần đất cho việc xây dựng ngôi trường Trần Hữu Trang. Chính vì thế bạn sẽ thấy khoảng sân phía trước hội quán còn được xem như sân trường. Trong hình là giờ thể dục của các em học sinh.

Khi xưa nơi đây rất đông vui, tấp nập thuyền xe hàng hoá lưu thông qua lại. Vì nằm ngay trung tâm đường Trần Hưng Đạo, là tuyến đường huyết mạch đi xuyên Sài Gòn dọc theo con rạch Bến Nghé bấy giờ. Ngày nay mọi thứ trở nên trầm lắng hơn, nhưng vẫn sẽ mang đến bạn những cảm nhận thú vị về không gian sinh hoạt của người Hoa Hải Nam.

Khám phá miền duyên hải phía Nam Trung Hoa
Bàn ghế, các thức cột được chạm trổ chỉn chu, tinh tế.

Không gian kiến trúc nơi đây còn thể hiện được đúng tinh thần của người Hoa gốc Hải Nam.

Khám phá miền duyên hải phía Nam Trung Hoa
Những bức hoành phi mang đậm sắc màu văn hoá dân gian của vùng đảo Hải Nam.
Khám phá miền duyên hải phía Nam Trung Hoa
Những lư hương được điêu khắc thành hình con hươu. Đây là biểu tượng cho sự phúc lộc, may mắn và trường thọ. Thể hiện đúng với tinh thần của người Hải Nam khi xây dựng hội quán, cầu mong cho quốc thái dân an, mưa thuận gió hoà.

Sloth sẽ không miêu tả quá nhiều không gian xung quanh để giữ cho bạn những cảm nhận hấp dẫn trong lần đầu khám phá nhé.

Hãy di chuyển đến điểm đến tiếp theo cách vài trăm mét...

Quãng đường ngắn này sẽ mang lại cho bạn những niềm vui nhỏ.

Khám phá miền duyên hải phía Nam Trung Hoa
Những dãy nhà cổ xưa.
Khám phá miền duyên hải phía Nam Trung Hoa
Nét sinh hoạt đời thường của mọi người trong những con hẻm mang đậm chất Hoa.

Và rồi, chúng ta đã đến với Triều Châu...

Điểm dừng chân tiếp theo, Hội Quán Nghĩa An, hay còn được gọi là Miếu Quan Đế.

Khám phá miền duyên hải phía Nam Trung Hoa
Phần sân rộng phía trước thường được sử dụng làm nơi tổ chức các ngày lễ lớn như Tết Nguyên tiêu, ngày lễ vía Ông vía Bà...

Khác với hầu hết hội quán trong khu vực Chợ Lớn, vị thần được thờ chính tại đây là Quan Vũ, một võ tướng thời Tam Quốc. Ông vốn được người Hoa đề cao về sự trung nghĩa, dũng cảm. Nhưng trong tín ngưỡng hội quán người Hoa Sài Gòn - Chợ Lớn ông lại nổi bật như một thần phù trợ cho nam giới và cầu xin tài lộc.

Nơi đây không chỉ thờ Quan Đế mà còn rất nhiều vị thần cũng như linh vật khác. Với quan niệm hữu cầu tất ứng, không chỉ riêng Hội Quán Nghĩa An, trong hầu hết trong các hội quán của mình, người Hoa thờ bất kì vị Thần, Phật nào miễn là họ tin rằng sẽ phò trợ tốt cho cuộc sống.

Bạn cũng có thể bắt gặp phong cách kiến trúc cũng như những nét trang trí đậm chất Triều Châu tại đây.

Khám phá miền duyên hải phía Nam Trung Hoa
Cánh cổng này như trong một bộ phim Hồng Kông với sắc đỏ thẫm và sâu.
Khám phá miền duyên hải phía Nam Trung Hoa
Những ghép mảnh sảnh sứ đầy màu sắc thể hiện nhiều truyền thuyết dân gian.
Khám phá miền duyên hải phía Nam Trung Hoa
Cặp lân bằng đá được đặt đối xứng nhau trước cửa mang ý nghĩa phong thuỷ như: Tránh tà, mang tới điềm lành, mang tới tài lộc...
Khám phá miền duyên hải phía Nam Trung Hoa
Tuy đã được tu sửa lại nhiều lần, nhưng vẫn giữ được phong cách kiến trúc đặc trưng của người Triều Châu.

Đi thêm về phía trước một chút...

Chắc hẳn bạn đã hơi thấm mệt và đói bụng. Hãy cùng thưởng thức món bánh hẹ truyền thống của Triều Châu nhé.

Khám phá miền duyên hải phía Nam Trung Hoa
Xe bánh hẹ đã bán ở đây được hơn 27 năm

Món bánh nguyên bản được làm bởi hai nguyên liệu chính là bột gạo và lá hẹ, sau đó đem hấp. Khi du nhập vào Sài Gòn, bánh hẹ lại có thêm phần nhân khoai môn, sắn hay lá liễu được chiên lên với trứng và ăn kèm cùng nước tương pha hoặc nước mắm chua ngọt.

Khám phá miền duyên hải phía Nam Trung Hoa
Bạn hoàn toàn có thể thưởng thức hương vị từ chiếc bánh nguyên bản, vì cơ bản bánh đã được hấp chín sẵn trước khi chiên. Nếu không, hãy thử kiểu biến tấu độc đáo này nhé. 
Khám phá miền duyên hải phía Nam Trung Hoa
Kiểu chế biến này gợi nhớ đến món bột chiên nhưng thật ngạc nhiên khi có thêm sự lựa chọn dùng kèm với nước mắm chua ngọt bên cạnh nước tương truyền thống của người Hoa. 

Khi đã lấy lại sức, bước sang đường, bạn sẽ tới Quảng Châu...

Chùa Bà Thiên Hậu, hay còn được gọi là Hội Quán Tuệ Thành. Vị thần được thờ chính tại đây là Thiên Hậu Thánh Mẫu.

Theo ý nghĩa tín ngưỡng Trung Hoa, bà phù hộ cho những người đi biển được bình an. Nhưng ngày nay, ý nghĩa thờ cúng dường như hòa nhập hơn với xã hội hiện đại: ban sức khoẻ, con cái, tài lộc...

Khám phá miền duyên hải phía Nam Trung Hoa
Đây là một trong những hội quán cổ xưa nhất của người Quảng Châu tại đây. Dù sau bao nhiêu lần trùng tu, nơi đây vẫn còn giữ được phong cách của chùa Hoa từ đường nét, nghệ thuật kiến trúc đến vật liệu xây dựng. Gạch, ngói, đồ gốm, pháp khí... được đem từ vùng phía nam Trung Quốc sang.
Khám phá miền duyên hải phía Nam Trung Hoa
Phần nóc miếu được trang trí bởi những hoa văn, hình nhân làm từ gốm, miêu tả lại các câu chuyện trong văn hóa dân gian miền Nam Trung Quốc.
Khám phá miền duyên hải phía Nam Trung Hoa
Những pháp khí cổ đã có tuổi đời khá lâu
Khám phá miền duyên hải phía Nam Trung Hoa
Không gian hội họp dành cho những người thuộc hội quán giống trong các bộ phim võ thuật Trung Hoa như Diệp Vấn, huyền thoại Lý Tiểu Long...

Đi đến Phúc Kiến

Hội Quán Nhị Phủ hay còn gọi là Chùa Ông Bổn. Đây là một trong những hội quán cổ xưa nhất của cộng đồng người Hoa Phúc Kiến tại Sài Gòn. Bởi lẽ có tên là Nhị Phủ vì hội quán khi xưa được thành lập do sự đóng góp của những người thuộc hai phủ Tuyền Châu và Chương Châu thuộc tỉnh Phúc Kiến di cư sang Việt Nam.

Đây cũng là nơi duy nhất trong các chùa, đền, miếu, hội quán của người Hoa Chợ Lớn thờ ông Bổn Đầu Công hay còn gọi Phúc Đức Chính Thần, vị thần bảo vệ đất đai và con người.

Khám phá miền duyên hải phía Nam Trung Hoa
Đặc điểm dễ nhận dạng nhất của kiến trúc người Hoa Phúc Kiến chính là phần mái ngói được dựng thành nhiều lớp chồng lên nhau, theo kiểu "trùng thiềm điệp ốc" và đầu đao cong vút. Cùng với đó, những ống ngói màu xanh được gọi là thanh lưu ly, lợp theo kiểu âm dương, che phủ phần diềm mái.
Khám phá miền duyên hải phía Nam Trung Hoa
Khoảng sân rộng lớn phía trước thường là nơi dành cho hội, còn lễ sẽ được tổ chức bên trong miếu.
Khám phá miền duyên hải phía Nam Trung Hoa
Tấm phù điêu đắp nổi hình cọp cho thấy sự giao thoa trong văn hoá của người Hoa Phúc Kiến với Sài Gòn. Trong những ngày đầu Sài Gòn được thành lập tại miền Nam, cọp là một trong những thế lực tự nhiên mà con người phải đối phó. Theo thời gian, cọp được tôn thờ rất nhiều trong văn hóa tín ngưỡng của người Nam Bộ.
Khám phá miền duyên hải phía Nam Trung Hoa
Còn rất nhiều điều thú vị chờ bạn khám phá bên trong.

Điểm dừng chân

Sau khi đã có cho mình những khám phá, trải nghiệm thú vị về văn hóa của cộng đồng người Hoa thông qua các hội quán, Sloth chọn tiệm mì Minh Ký nằm trên con đường nhỏ Nguyễn Án làm điểm kết thúc cho chuyến hành trình thú vị này. Một phần vì vị trí thuận tiện trên đường về, nhưng đặc biệt hơn cả nó còn mang đến những cảm nhận độc đáo về ẩm thực người Hoa tại khu vực Chợ Lớn.

Con đường nhỏ Nguyễn Án chỉ dài vỏn vẹn vài trăm mét nhưng lại tập hợp đến 4 tiệm mì lâu đời nhất, nơi đây được mệnh danh như con đường mì gia.

Khám phá miền duyên hải phía Nam Trung Hoa
Quán rất đông người Hoa địa phương đến ăn mỗi ngày
Khám phá miền duyên hải phía Nam Trung Hoa
Những nguyên vật liệu được chế biến còn rất tươi, khi ăn hoàn toàn có thể cảm nhận hương vị riêng của từng món. Nước dùng đậm đà, không quá béo, không quá nhạt, hòa quyện cùng mùi hương ngào ngạt sẽ mang đến cảm giác tận hưởng trọn vẹn hơn bao giờ hết sau chuyến đi dài.

Nếu có thêm thời gian, bạn có thể tiếp tục khám phá thêm những nét thú vị khác trong đời sống thường ngày của người Hoa xung quanh. Những con đường rực rỡ sắc màu bán các phụ kiện may mặc hay những con đường vui tươi nhộn nhịp bán cá cảnh... Chúc bạn có một chuyến đi khám phá thật vui vẻ!

Sloth sẽ để bản đồ chuyến hành trình ở đây. Bạn có thể gửi xe tại Hội Quán Hải Nam để bắt đầu.

Khám phá miền duyên hải phía Nam Trung Hoa